Những mốc son
Nghị định số 170/CP của Chính phủ ngày 03/9/1975 về việc thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển ngành Dầu khí Việt Nam. Từ đó, hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí được triển khai mạnh mẽ ở cả miền Bắc, miền Nam, thềm lục địa phía Nam và đã có nhiều phát hiện dầu khí ở trên đất liền, ở thềm lục địa. Trải qua quá trình phát triển, để phù hợp với mô hình và quy mô hoạt động từng giai đoạn, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam được đổi tên thành Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và nay là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.
Năm 1976, ngành Dầu khí Việt Nam đã tiếp xúc vòng đầu với 17 công ty dầu khí nhà nước: Pháp, Anh, Australia, Canada, Mexico, Italia, Na Uy, Nhật Bản… để chọn đối tác. Năm 1978, lần lượt 3 hợp đồng dầu khí đã được ký với Công ty Deminex (CHLB Đức), Agip (Italia) và Bow Valley (Canada) nhưng kết quả đã không phát hiện được dầu khí thương mại.
Cuối năm 1978, tàu địa chấn Bình Minh đã ra đời để thực hiện phương án khảo sát địa chấn phản xạ vùng Tây Bắc vịnh Bắc Bộ - khu vực được đánh giá có triển vọng dầu khí lớn. Chính phủ Việt Nam đã cho phép các công ty nước ngoài thăm dò khai thác một số lô trên khu vực này như: Công ty Total (Pháp), Idemitsu (Nhật), OMV (Áo), Septer (Canada), PetroFina (Bỉ), Shell (Hà Lan), IPL (Thụy Sỹ).
Năm 1980, Việt Nam và Liên Xô đã ký Hiệp định hợp tác về thăm dò và khai thác dầu khí thềm lục địa Việt Nam. Kết quả, Xí nghiệp liên doanh Dầu khí Việt Xô (Vietsovpetro) được thành lập vào giữa năm 1981 để tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí ở bể Cửu Long và sau này ở mỏ Đại Hùng. Ngày 26/6/1986, tấn dầu thô đầu tiên được khai thác từ mỏ Bạch Hổ, thuộc bể Cửu Long, đã chính thức đưa Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất, xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới và là đóng góp quan trọng cho nền kinh tế bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới. Năm 1988, việc phát hiện tầng dầu sản lượng cao từ móng đá granit nứt nẻ ở mỏ Bạch Hổ với dòng dầu tự phun, có lưu lượng đạt tới 407 tấn/ngày đêm đã đưa mỏ này vào danh sách các mỏ có trữ lượng dầu khí lớn nhất Đông Nam Á.
Lần lượt những năm sau đó, hàng loạt mỏ dầu, khí mới ở trong và ngoài nước đã được Petrovietnam và các đối tác phát hiện như: Ruby, Topaz North, Peal, Diamond, Emirald, Cá Ngừ Vàng, Đồi Mồi, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Sư Tử Trắng, Rạng Đông, Phương Đông, Tê Giác Trắng, Bunga Ketwa, Bunga Raya, Bunga Orkid, Bunga Seroja, Cái Nước, Sông Đốc, Kim Long, Ác Quỷ, Lan Tây, Lan Đỏ, Rồng Đôi - Rồng Đôi Tây, Hải Thạch, Mộc Tinh..., trong đó phần lớn đã được đưa vào khai thác.
Thời cơ mới, vận hội mới
Ngày 23/7/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Trên cơ sở đó, Petrovietnam đã đặt ra các mục tiêu cụ thể trên từng lĩnh vực hoạt động. Trong đó, Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác khảo sát, điều tra cơ bản, tìm kiếm, thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí; phấn đấu gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 35-45 triệu tấn quy dầu/năm, sản lượng khai thác đạt 23-34 triệu tấn quy dầu/năm và khai thác khí 8,5-14 tỷ m³/năm.
Năm 2016, Petrovietnam đã khai thác 17,23 triệu tấn dầu thô, 10,61 tỷ m3 khí; sản xuất 21,2 tỷ kWh điện, 1,62 triệu tấn phân đạm, 6,87 triệu tấn xăng dầu. Tổng doanh thu đạt 452,5 nghìn tỷ đồng, nộp NSNN 90,2 nghìn tỷ đồng. Kế hoạch năm 2017, Petrovietnam dự kiến khai thác 15,2 triệu tấn dầu thô, 10,61 tỷ m3 khí; sản xuất 20,10 tỷ kWh điện, 1,521 triệu tấn phân đạm, 6,798 triệu tấn xăng dầu. Trên cơ sở đó, phấn đấu tổng doanh thu 437,8 nghìn tỷ đồng (với kế hoạch giá dầu là 50USD/thùng), nộp NSNN 74,6 nghìn tỷ đồng.
6 tháng đầu năm, tổng sản lượng khai thác quy dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đạt 13,54 triệu tấn, sản lượng khai thác dầu đạt 7,9 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác dầu thô trong nước vượt 577 nghìn tấn so với kế hoạch Chính phủ giao; khai thác khí đạt 5,25 tỷ m3; sản xuất điện đạt 11,11 tỷ kWh; sản xuất đạm đạt 909 nghìn tấn; sản xuất xăng dầu toàn Tập đoàn đạt 2,99 triệu tấn. Tổng doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn 6 tháng là 134 nghìn tỷ đồng, vượt 13% so với kế hoạch 6 tháng; tổng lợi nhuận sau thuế đạt 13,1 nghìn tỷ đồng; nộp NSNN toàn Tập đoàn đạt 44,2 nghìn tỷ đồng…
Năm 2017 cũng là dấu mốc 30 năm của công tác xuất bán dầu thô kể từ khi lô dầu Bạch Hổ đầu tiên được xuất khẩu vào tháng 4/1987. Cho đến nay, toàn bộ 355 triệu tấn dầu thô đã được xuất bán an toàn với tổng trị giá lên đến 145 tỷ USD, đóng góp đáng kể cho nguồn thu NSNN. Đồng thời, chỉ sau 3 năm cán mốc sản lượng 1 tỷ m3 khí (tháng 4/2014), đến ngày 12/7/2017, Giàn nén khí mỏ Rồng - Đồi Mồi đã đạt mốc sản lượng 2 tỷ m3 khí khai thác đưa về bờ.
Dự kiến trong 5 năm 2015-2020, Petrovietnam sẽ đạt chỉ tiêu gia tăng trữ lượng 165-200 triệu tấn quy dầu, khai thác 85-90 triệu tấn dầu thô và 55-60 tỷ m3 khí. Petrovietnam đã, đang và sẽ tiếp tục hợp tác với nhiều công ty dầu khí nước ngoài để thăm dò, khai thác dầu khí trên toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
HỒNG THOAN
Theo Tuần Báo ra ngày 07-9-2017