Phải làm gì để mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của đổi mới, phát triển?

(BKTO) - Vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2024), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Phường Quán Thánh, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Tổng Bí thư đã phát biểu: “Bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, phát triển”.

3.jpg
Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã có những cố gắng mạnh mẽ để thúc đẩy đất nước không ngừng đổi mới, phát triển và đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Ảnh: CTV

Đó chính là mục tiêu, động lực mà Đảng, Nhà nước ta kiên quyết, kiên trì xác định, tổ chức thực hiện với ý chí quyết tâm, chủ trương, giải pháp đúng đắn, sáng tạo và hiệu quả cao nhất. Một trong những thành công to lớn của chúng ta trong thời gian qua là đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, “bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.

Những thành công của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong việc đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân từ sự đổi mới, phát triển đất nước cũng đã làm thất bại sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã cố tình xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo rằng: Đảng Cộng sản không đem lại lợi ích gì cho người dân và đất nước; chủ nghĩa xã hội mà Đảng theo đuổi chỉ là bánh vẽ, chỉ đem lại “nghèo đói, lạc hậu, bất công”.

Thực tế cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, không ngừng anh dũng, chiến đấu đem lại và giữ vững độc lập dân tộc. Đồng thời, chúng ta còn phải mang đến ấm no, hạnh phúc cho nhân dân theo đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng, Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”.

Trong thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng: Phải bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tiến bộ và công bằng xã hội; con người được sống trong môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh và văn minh. Đảng xác định không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, quan tâm đến mọi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đảng chỉ ra những biểu hiện cụ thể, sinh động, phong phú mà chúng ta cần tập trung xây dựng, như: Nâng cao chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển, bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế, chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm khái quát ngắn gọn nội dung thụ hưởng của nhân dân từ sự đổi mới, phát triển của đất nước là: “…nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân”. Điều này đã và đang được chứng minh rõ ràng, sinh động trong thực tế đất nước và cuộc sống của nhân dân.

Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã có những cố gắng mạnh mẽ về nhiều mặt để thúc đẩy đất nước không ngừng đổi mới, phát triển và đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Theo Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội (Kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024) về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025: Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước và đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ năm trước trên tất cả các lĩnh vực. Ước tính cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (chỉ tiêu bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%). Những kết quả tốt đẹp này thiết thực góp phần nâng cao đời sống mọi mặt của các tầng lớp nhân dân.

Phát huy những thành tựu trên, nhằm có cơ sở vững chắc nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, năm 2025, Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát: Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; hoàn thiện thể chế, pháp luật; phát triển hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế; nâng cao uy tín, vị thế nước ta trên trường quốc tế. Chúng ta tập trung phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu: Tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%); tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8-1%...

Những mục tiêu đề ra đòi hỏi phải có sự đồng tâm hiệp lực, nỗ lực vươn lên hết sức mạnh mẽ của cả cộng đồng. Trước hết, Đảng, Nhà nước trong mọi công việc của mình phải cùng với toàn dân thực hiện đúng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: Phải lấy “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thắt chặt mối quan hệ máu thịt, hữu cơ với nhân dân; phải lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; phải không ngừng củng cố, tăng cường niềm tin sắt đá của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ ta.

Vấn đề đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn mà chúng ta phải quyết tâm thực hiện cho bằng được, là mục tiêu, nhiệm vụ Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ trong bài viết đăng Báo Nhân Dân ngày 08/11/2024 “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”: “Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Đây là một trong những yếu tố then chốt đưa Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành người cầm lái vĩ đại, người thuyền trưởng tinh anh đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt mọi thác ghềnh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác”./.

Cùng chuyên mục
  • Đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực ưu tiên
    14 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp này khi dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ với chủ đề "Chính sách và hướng tiếp cận nhằm đảm bảo quan hệ thương mại mang lại lợi ích chung", ngày 27/11, tại Hà Nội.
  • “Cuộc cách mạng” về tinh gọn bộ máy
    14 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Việc tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả được xác định là công việc phải làm nhanh, sớm hoàn thành trước Đại hội Đảng lần thứ XIV. Cán bộ đảng viên và Nhân dân, trong đó có cả các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn chủ trương này sớm được thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, bài bản, tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
  • Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội
    14 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Sáng 27/11, tại Trụ sở Thành ủy Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội để nghe báo cáo kết quả về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại của thành phố năm 2024 và kế hoạch năm 2025, giai đoạn 2025 - 2030.
  • [TRỰC TIẾP] Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)
    14 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Chiều 27/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, biểu quyết thông qua các nội dung: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Sau đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
  • [TRỰC TIẾP] Quốc hội thảo luận về dự án Luật Việc làm (sửa đổi)
    15 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Sáng 27/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, biểu quyết thông qua các nội dung: Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Sau đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Phải làm gì để mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của đổi mới, phát triển?