Phân cấp, phân quyền thực chất, hiệu quả hơn

(BKTO) - Để khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần có những giải pháp quyết liệt, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương một cách thực chất hơn.

301020230409-toan-canh-bt-dung.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

"Có tiền nhưng không tiêu được" do cơ chế thiếu rõ ràng

Đồng tình với những đánh giá của Đoàn giám sát về kết quả thực hiện các CTMTQG, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc triển khai thực hiện các chương trình đã đóng góp, tác động rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội; góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống của người dân được nâng lên với thu nhập bình quân đầu người hằng năm đều tăng…

Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ sự sốt ruột trước những bất cập, vướng mắc trong triển khai thực hiện các chương trình; đặc biệt là tình trạng cát cứ, manh mún, phân tán, làm cho các cơ chế lồng ghép, phân cấp, phân quyền, cơ chế đặc thù theo chủ trương của Đảng và Nhà nước không được phát huy hiệu quả trên thực tế, làm lãng phí nguồn lực, các chương trình chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên), đã là giữa nhiệm kỳ, nhưng qua giám sát, giải ngân các chương trình mới ở mức khiêm tốn, mới đạt kết quả bước đầu.

Đại biểu phân tích, khả năng giải ngân mới tương đối ở phần đầu tư, còn phần sự nghiệp rất quan trọng liên quan đến sản xuất, đời sống người dân, cải thiện các dịch vụ sống cơ bản hầu như chưa được.

“Con số 57% giải ngân vốn sự nghiệp mới chỉ tập trung vào các hoạt động liên quan đến thanh tra, kiểm tra, đào tạo, tập huấn… Những hoạt động tác động trực tiếp, cốt lõi của các chương trình liên quan đến sự nghiệp chưa được thực hiện. Đây cũng là vấn đề đặt ra, cần phải tháo gỡ” - đại biểu cho hay.

Đề cập đến các điểm nghẽn trong triển khai các chương trình, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất vẫn là cơ chế, chính sách. Theo đại biểu, trên thực tế, có tình trạng “có tiền nhưng chưa tiêu được” do cơ chế, chính sách chưa thực sự phù hợp, đầy đủ, nhiều khi không rõ ràng, địa phương không dám triển khai.

Kết quả giám sát cho thấy việc phân bổ vốn chưa hợp lý, có tỉnh không có nhu cầu nhưng vẫn phân bổ. Phần quy định vốn đối ứng ở các địa phương bắt buộc địa phương thực hiện trong khi điều kiện các tỉnh nghèo rất khó bố trí vốn đối ứng để thực hiện nội dung đó.

Liên quan đến cơ chế phân cấp và trao quyền, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu) chỉ rõ, thực tiễn và kết quả giám sát cho thấy còn nhiều mặt chưa hợp lý và chưa thực chất. Nhiều nội dung văn bản Trung ương phân cấp cho các địa phương hướng dẫn nhưng các quy định hiện hành chưa đồng bộ, nội dung phân cấp chưa rõ, chưa có cơ sở để thực hiện.

301020230212-tran-thi-hoa-ry.jpg
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

“Những nội dung này thuộc về cơ chế, về hành lang pháp lý, lẽ ra Trung ương ban hành nhưng lại giao cho địa phương làm, địa phương lúng túng và rất khó trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Trung ương lại ban hành việc giao vốn sự nghiệp chi tiết đến từng tiểu dự án, từng lĩnh vực, không trao quyền cho địa phương được quyết định về nội dung điều chuyển nguồn vốn giữa các dự án, chương trình dẫn đến tình trạng dự án thừa vốn hoặc thiếu vốn” - đại biểu Trần Thị Hoa Ry chỉ ra thực tế.

Phân tích những khó khăn trong quá trình triển khai CTMTQG Giảm nghèo bền vững nói riêng và 3 CTMTQG nói chung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng nhìn nhận rằng, việc phân cấp, phân quyền chưa rõ, dẫn đến tình trạng “dưới chờ trên, trên bảo dưới cứ làm nhưng dưới sợ”. Ngoài ra, việc phân bổ các dự án nhỏ lẻ, manh mún quá nhiều; việc giao vốn chậm, nhỏ giọt...

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương

Theo đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam), nguyên nhân căn cơ của những bất cập là do từ cách làm đến chất lượng các chương trình chưa thực sự làm cho người dân tin, tính bền vững chưa cao. Do đó, đại biểu đề nghị, phải xây dựng và ban hành cơ chế phân cấp, phân quyền rõ hơn cho địa phương, nhất là cấp tỉnh.

301020230431-ptt-tran-luu-quang-2.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: VPQH

“Ví dụ như Chương trình xây dựng nông thôn mới, vì nhà ở cấp bách hơn nên địa phương đã tập trung làm nhà ở xong rồi thì vẫn đồng tiền đó, lượng tiền như vậy địa phương tập trung giải quyết nước sạch; chứ thay đổi một chút lại bê lên Trung ương xin điều chỉnh, phê duyệt thì rất mất thời gian, nhiêu khê, khó khăn. Trung ương chỉ quản lý mục tiêu, chỉ tiêu làm sao đạt được, còn cách làm thế nào để tỉnh chủ động” - đại biểu đề nghị.

Những khó khăn, vướng mắc từ thực tế tổ chức thực hiện 3 chương trình được tháo gỡ bằng một nghị quyết của Quốc hội quy định về cơ chế, chính sách đặc thù như Chính phủ trình; tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, mục tiêu và hiệu quả của các chương trình chắc chắn sẽ đạt được. Sau giám sát tối cao, các địa phương và người dân được thụ hưởng chính sách đang rất mong chờ nghị quyết này của Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến (Đoàn Điện Biên)

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề nghị Quốc hội, Chính phủ, ngoài đề xuất 7 nhóm chính sách về cơ chế đặc thù theo Tờ trình của Chính phủ, cần tiếp tục nghiên cứu và kiến nghị trong Báo cáo chính thức của Đoàn giám sát để giải quyết căn cơ những hạn chế, bất cập trong thời gian qua, để cơ chế phân cấp, trao quyền cho địa phương đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn, rõ về nội dung và phương thức trong việc tổ chức triển khai thực hiện.

Đại biểu Vũ Xuân Hùng (Đoàn Thanh Hóa) nhận định, với những khó khăn cả về thể chế và về con người, nếu không có giải pháp đột phá và cơ chế đặc thù, khả năng thực hiện mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 rất khó khăn.

“Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình, cần có nghị quyết đặc thù để phân cấp, phân quyền, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư” - đại biểu Vũ Xuân Hùng nói.

Phát biểu làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, từ đầu năm đến nay, tất cả các sửa đổi văn bản có liên quan đều tuân thủ nguyên tắc về phân cấp, phân quyền, đem lại kết quả thiết thực.

“Chính các đồng chí ở địa phương mới biết làm như thế nào là tốt nhất. Giải pháp này đã giúp các địa phương có thể giải quyết các vấn đề thực tiễn, thuận tiện trong lồng ghép các chương trình ở cùng một cấp thẩm quyền” - Phó Thủ tướng nói

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng cho biết, sắp tới, Chính phủ sẽ trình thí điểm mỗi tỉnh lựa chọn một địa phương cấp huyện để thí điểm trộn nguồn vốn của cả 3 CTMTQG. Nếu nguồn vốn sự nghiệp dùng không hết thì có thể chuyển thành nguồn vốn đầu tư phát triển. Phó Thủ tướng cho rằng đây sẽ là giải pháp tháo gỡ “nút thắt” lớn trong vấn đề này./.

Cùng chuyên mục
Phân cấp, phân quyền thực chất, hiệu quả hơn