Giải quyết hài hòa quyền lợi trước mắt và lâu dài của người lao động

(BKTO) - Lựa chọn phương án nào để việc rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần hài hoà nguyên tắc đóng, hưởng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận. Đặc biệt, các đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng về tỷ lệ được rút BHXH một lần của người lao động.

bhxh-mot-lan.jpg
Quy định về rút BHXH một lần trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: chinhphu.vn

Còn ý kiến khác nhau

Tờ trình về Dự án Luật BHXH (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 đưa ra trong đó nêu hai phương án về hưởng BHXH một lần.

Trong đó, Phương án 1 quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Nhóm 1, đối với người lao động đã tham gia trước khi Luật sửa đổi có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng có nhu cầu thì được nhận một lần. Nhóm 2, đối với người lao động bắt đầu tham gia từ ngày Luật sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến 01/7/2025) thì không được nhận một lần. Chỉ giải quyết hưởng một lần trong các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.

Phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Về vấn đề này, có nhiều loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất lựa chọn Phương án 1 là giữ quy định hiện hành đối với người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật này có hiệu lực.

Loại ý kiến thứ hai lựa chọn Phương án 2, chỉ giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

 Theo thống kê, sau 07 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, tổng số lượt người hưởng BHXH một lần là khoảng 4,5 triệu lượt người, trong đó có gần 1,3 triệu lượt người sau khi nhận BHXH một lần tiếp tục quay trở lại thị trường lao động và tiếp tục tham gia BHXH, chiếm gần 28% tổng số lượt người nhận BHXH một lần giai đoạn 2016-2022.

Loại ý kiến thứ ba chưa đồng ý với cả hai phương án Chính phủ trình vì cho rằng, Phương án 1 sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa những người tham gia trước và sau khi Luật có hiệu lực, tiềm ẩn gây mất ổn định xã hội, tạo làn sóng ồ ạt rút BHXH; Phương án 2 cho rút 50% không hợp lý vì đây là tiền của người lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 168 của Bộ luật Lao động và chưa lý giải về tỷ lệ 50%.

Loại ý kiến này cũng đề nghị không nên thiết kế hai phương án để lựa chọn mà chỉ nên có một phương án nhưng thiết kế thành nhiều phương thức khác nhau (có các quy phạm tương ứng) để người lao động lựa chọn.

Tính toán kỹ lưỡng về tỷ lệ được rút BHXH một lần

Góp ý về quy định này, đại biểu Quốc hội Dương Văn Thắng (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) lựa chọn Phương án 2, chỉ giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

db-thang.jpg
Đại biểu Quốc hội Dương Văn Thắng phát biểu thảo luận về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Theo đại biểu, khi quy định chỉ rút BHXH một lần tối đa 50%, phần BHXH còn lại vẫn được bảo lưu để cộng dồn khi người lao động tiếp tục tham gia vào BHXH ở đơn vị mới, họ vẫn được ghi nhận và bảo lưu. Đồng thời cũng sẽ giải quyết hài hòa được quyền lợi trước mắt của người lao động và chính sách an sinh xã hội đưa ra. Khi người lao động tiếp tục tham gia đóng BHXH thì sẽ được cộng mới thời gian tham gia đóng BHXH và có nhiều thời gian tích lũy, nhiều cơ hội hơn để thực hiện hưởng lương hưu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định lại bày tỏ băn khoăn về phương án này khi đặt vấn đề: cơ sở nào để quy định rút BHXH một lần theo tỷ lệ 50-50?

Bộ trưởng cho rằng, vẫn còn những vấn đề bỏ ngỏ và có khoảng trống với quy định này; bởi phải căn cứ khả năng đóng và khả năng rút, như phần doanh nghiệp đóng, vẫn là của người lao động nhưng phải giữ lại nối tiếp để hưởng lương hưu.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phân tích, hiện nay mức đóng BHXH là 26%; trong đó, 8% là người lao động đóng, còn 18% là doanh nghiệp đóng cho người lao động. Trong phần doanh nghiệp đóng có 3% là bảo hiểm ốm đau thai sản, 1% là tai nạn, còn lại 14% là tử tuất và hưu trí.

Theo Bộ trưởng, nên giữ lại khoản 14% mà doanh nghiệp đóng cho người lao động này, còn lại 12% người lao động được rút. Nếu như vậy thì sẽ tương ứng với khoảng 46% được rút ra, còn 54% để lại. Điều này có nghĩa là người lao động được rút cả ốm đau, tai nạn, thai sản nhưng khoản hưu trí mà doanh nghiệp đóng cho người lao động thì để lại để đóng tiếp và hưởng hưu trí.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng lưu ý, với phần còn lại, trong thời hạn bao nhiêu năm, nếu không đóng thì cho người lao động rút; sau bao nhiêu năm đóng tiếp và được rút hết. Đây là vấn đề cần được đặt ra.

Đại biểu Lê Kim Toàn (Đoàn Bình Định) thì cho rằng, Nghị quyết của Trung ương yêu cầu phải tăng quyền lợi cho người tham gia BHXH mới hạn chế được việc họ rút BHXH một lần. Đây là chính sách rất ưu việt. Khi người lao động tham gia BHXH một đồng là họ được hưởng các quyền lợi thoả đáng nhiều hơn một đồng. Nhưng khi họ rút BHXH một lần, quyền lợi giảm đi, song không đồng nghĩa với việc người tham gia BHXH một đồng mà chỉ cho họ rút 50%.

Đại biểu Lê Kim Toàn đề nghị bổ sung thêm các chính sách ưu việt hơn nữa. Khi người lao động phải rút BHXH một lần vì điều kiện nào đó, thì cần cho họ rút đúng phần đã đóng vào BHXH; còn phần cơ quan tổ chức, người sử dụng lao động đóng cho họ vẫn là của người lao động nhưng giữ lại cho chính họ, để khi họ quay trở lại tham gia BHXH, họ có sẵn một phần đã tham gia. Đến tuổi nghỉ hưu, người lao động sẽ còn phần nhất định để dành cho cho cuộc sống. Đây mới đúng là quan điểm theo Nghị quyết của Trung ương.

“Phần người lao động đóng trực tiếp thì họ được rút, không nên quy định bao nhiêu phần trăm mà theo nguyên tắc đóng bao nhiêu được rút bấy nhiêu” - đại biểu cho rằng đây là phương án thuyết phục hơn./.

Cùng chuyên mục
Giải quyết hài hòa quyền lợi trước mắt và lâu dài của người lao động