Tăng trưởng GDP quý II phục hồi mạnh, vượt kịch bản
Về công tác chỉ đạo, điều hành, các báo cáo, ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, các cấp, các ngành, các địa phương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo tinh thần chủ đề năm 2024 là: "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững".
Về kết quả đạt được, các báo cáo, ý kiến nhấn mạnh 11 kết quả nổi bật.
Thứ nhất, tăng trưởng GDP quý II phục hồi mạnh, đạt 6,93%, tính chung 6 tháng đạt 6,42%, cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2023 (3,84%) và vượt kịch bản tại Nghị quyết 01 (5,5-6%).
Cả 3 khu vực đều tăng trưởng tốt, nông nghiệp tăng 3,38%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%; dịch vụ tăng 6,64%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 đạt 54,7 điểm (cao nhất ASEAN).
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực: Nông nghiệp chỉ còn chiếm 11,55%; công nghiệp và xây dựng chiếm 36,44%; dịch vụ chiếm 43,35%; thuế trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,66%.
Thứ hai, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,17% so với tháng 5; bình quân 6 tháng tăng 4,08% (lạm phát cơ bản tăng 2,75%).
Tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 6%; tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì khá ổn định; khoảng cách chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước giảm còn khoảng 4-5 triệu đồng/lượng.
An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo đạt trên 4,6 triệu tấn, kim ngạch gần 3 tỷ USD, tăng lần lượt 10,4% và 32% so với cùng kỳ); cơ bản bảo đảm cân đối cung cầu lao động.
Thứ ba, xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Xuất khẩu tháng 6 tăng 2,6% so với tháng 5 và 10,5% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng xuất khẩu tăng 14,5% (khu vực trong nước tăng 20,6%; khu vực FDI tăng 13,9%); nhập khẩu tăng 17%; xuất siêu 11,63 tỷ USD.
Thứ tư, các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi nhanh. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 tăng 1,1% so với tháng 5 và tăng 9,1% so với cùng kỳ; tính chung 6 tháng tăng 8,6%. Số lượt khách quốc tế tháng 6 đạt trên 1,2 triệu lượt, tăng 28,1%; tính chung 6 tháng đạt trên 8,8 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ 2023 và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 (trước dịch Covid-19).
Thứ năm, tình hình tài chính-ngân sách nhà nước tiếp tục được cải thiện rõ nét. Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 60% dự toán năm, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt, thấp hơn nhiều giới hạn quy định. Đồng thời, trong 6 tháng đầu năm đã miễn, giảm 47,3 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí; dự kiến tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn thuế, phí cả năm 2024 khoảng 191 nghìn tỷ đồng.
Thứ sáu, đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý II tăng 7,5%; tính chung 6 tháng tăng 6,8%; trong đó vốn đầu tư của khu vực Nhà nước tăng 4,8%; khu vực ngoài nhà nước tăng 6,7%, khu vực FDI tăng 10,3%. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 29,39% kế hoạch. Thu hút FDI 6 tháng đạt 15,19 tỷ USD, tăng 13,1%; vốn FDI thực hiện đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% (cao nhất 5 năm qua).
Thứ bảy, phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tăng. Tháng 6 có 15.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 19,1% so với tháng 5; tính chung 6 tháng có 80.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 6,1% và 39.100 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 3,9% so với cùng kỳ.
Thứ tám, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện.
Thứ chín, cải cách hành chính được chú trọng, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; đưa ra truy tố, xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.
Thứ mười, chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng-an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh; uy tín và vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên.
Mười một, đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi, cơ cấu lại đầu tư công để có khoảng 700.000 tỷ đồng thực hiện lộ trình tăng lương từ 01/7/2024 phù hợp tình hình, điều kiện và được dư luận xã hội, những người hưởng lương đồng tình cao.
Quý III, quý IV có ý nghĩa đặc biệt quan trọng
Phát biểu kết luận, Thủ tướng cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện báo cáo và dự thảo Nghị quyết phiên họp, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ trong chỉ đạo điều hành, cần lưu ý quý III, quý IV có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của năm 2024 để phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch năm 2024.
Mục tiêu là phấn đấu đạt tăng trưởng GDP từ 6,5-7% trong quý III, sau đó xác định mục tiêu phù hợp trong quý IV; lạm phát giữ ở mức dưới 4,5%, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và có thặng dư, bảo đảm an ninh tài chính-tiền tệ quốc gia, giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Chỉ rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng trước hết yêu cầu thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Lãnh đạo chủ chốt, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Thứ hai, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; phối hợp đồng bộ, hài hòa và tạo thuận lợi cho việc thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Tiếp tục điều tiết tỉ giá, mặt bằng lãi suất phù hợp; trong đó lưu ý giảm mặt bằng lãi suất cho vay, chi phí vay để hỗ trợ sản xuất kinh doanh; bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng, tăng tiếp cận vốn tín dụng.
Giữ vững ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng. Siết chặt kỷ luật tài chính- ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý thu, tiết kiệm chi; đẩy mạnh chuyển đổi số, sử dụng hóa đơn điện tử, chống thất thu thuế, nhất là từ thương mại điện tử. Tiếp tục thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất.
Tăng cường công tác quản lý giá; kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; kiên quyết không để thiếu điện.
Thứ ba, quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 03 chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng và 26 Tổ công tác của thành viên Chính phủ; kiên quyết điều chuyển 29,9 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ chi tiết; tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn ODA; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao. Kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm. Xây dựng, tổ chức tốt Chương trình thi đua 500 ngày nỗ lực cố gắng hoàn thành các dự án đường bộ cao tốc để có hệ thống đường cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam và 80 năm Quốc khánh.
Thứ tư, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước, khuyến mại, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.
Có cơ chế, chính sách cụ thể, hiệu quả thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các lĩnh vực giá trị gia tăng cao như chíp bán dẫn, AI…).
Đồng thời, thúc đẩy tăng cung của nền kinh tế, trong đó lưu ý tập trung thực hiện các giải pháp phát triển cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, nhất là các ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, lan tỏa mạnh mẽ để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Thứ năm, tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Khẩn trương ban hành đầy đủ, kịp thời các nghị định, thông tư, bảo đảm đồng thời với hiệu lực của các Luật. Sớm thành lập Ban Chỉ đạo rà soát các vướng mắc về pháp lý do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, các thành viên Chính phủ là thành viên.
Thứ sáu, chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Triển khai tốt việc tăng lương. Khẩn trương thành lập Quỹ chung tay "xóa nhà tạm, nhà dột nát", phấn đấu trong năm 2025 xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ; đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người có công với cách mạng.
Thứ bảy, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Lưu ý tăng cường trấn áp các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao; phòng, chống cháy nổ.
Thứ tám, triển khai chu đáo, thực chất, hiệu quả các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao; kiểm tra, đôn đốc thực hiện hiệu quả các thỏa thuận quốc tế.
Thứ chín, tăng cường thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội; tạo động lực, truyền cảm hứng, tập trung thông tin về những điểm sáng, đổi mới sáng tạo, mô hình hay, cách làm mới, điển hình tiên tiến.
Thứ mười, tích cực triển khai các nhiệm vụ của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội XIV của Đảng, bảo đảm tiến độ, chất lượng và chuẩn bị triển khai Đại hội Đảng các cấp./.