Quang cảnh Hội nghị
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải - cho biết, hết tháng 6/2018, tổng thu NSNN ước đạt 651,7 nghìn tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: thu từ dầu thô đạt 82,4% dự toán, tăng 25,3%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 54,9% dự toán, tăng 6,9%; thu nội địa đạt 47,6% dự toán, tăng 15,5%. Không kể các khoản thu có tính chất đặc thù (thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế của DNNN thu hồi vốn nhà nước đầu tư vào DN), số thu nội địa còn lại đạt 46,4% dự toán, tăng khoảng 13%.
Theo Bộ Tài chính, kết quả thu 6 tháng nêu trên là tích cực. Tuy nhiên, tiến độ thu từ 3 khu vực kinh tế quan trọng đạt thấp so với dự toán (thu từ khu vực DNNN đạt 43,7% dự toán; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 38,7% dự toán; tiến độ thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh có khá hơn, nhưng cũng mới đạt 47,8% dự toán).
Trong tổng thu NSNN nêu trên, thu ngân sách trung ương ước đạt 46,2% dự toán (cùng kỳ năm 2017 đạt 41,5%); thu ngân sách địa phương đạt 54% dự toán. Riêng về thu nội địa, cả nước có 43 địa phương thu đạt trên 50% dự toán, 20 địa phương thu đạt dưới 50% dự toán, cá biệt một số địa phương thu nội địa (không kể thu tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết) đạt thấp, dưới 40% dự toán.
Tổng chi NSNN 6 tháng qua ước đạt 649,2 nghìn tỷ đồng, bằng 42,6% dự toán. Công tác quản lý chi NSNN chặt chẽ, theo đúng dự toán và tiến độ thực hiện của đơn vị. Các Bộ, ngành và địa phương đã chủ động rà soát, sắp xếp, thực hiện chi, mua sắm tài sản công theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chi NSNN, góp phần nâng cao kỷ luật tài chính và hiệu quả sử dụng NSNN.
Bộ Tài chính phấn đấu năm 2018 thu ngân sách vượt 3% so với dự toán, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, giữ bội chi và tổng mức vay của NSNN trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ Tài chính đã đề ra 10 nhóm giải pháp trọng tâm, trong đó, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện xây dựng thể chế, chính sách, tập trung triển khai có hiệu quả, thực chất các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo các nghị quyết của Chính phủ.
Các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục vào cuộc, chỉ đạo sát sao các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan tăng cường công tác quản lý thu, nắm chắc nguồn thu, chủ động đề ra các giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu.
Bộ Tài chính sẽ quyết liệt chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; quản lý chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng; tập trung thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu số nợ thuế đến ngày 31/12/2018 giảm xuống dưới 5% so với số thực thu NSNN năm 2018.
Ngoài ra, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, thị trường; tiếp tục phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính. Tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giá. Công khai thông tin về giá, điều hành giá để tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển đồng bộ thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, bảo hiểm; phát triển và nâng cao chất lượng thị trường dịch vụ tài chính; tiếp tục hoàn thiện thị trường kế toán, kiểm toán…
THÙY ANH