Phân loại những dự án có thể tăng tốc giải ngân từ nay đến cuối năm

(BKTO) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này khi chủ trì cuộc họp của Tổ công tác số 2 của Chính phủ làm việc với 29 Bộ, ngành, địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, chiều 21/9, tại Trụ sở Chính phủ.

1(4).jpg
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Chính phủ

Tốc độ giải ngân cao hơn mức trung bình cả nước

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đỗ Thành Trung cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao cho 29 Bộ, ngành, địa phương thuộc Tổ công tác số 2 là 241.088,964 tỷ đồng. Số vốn đã phân bổ chi tiết là 234.394,655 tỷ đồng, đạt 97,22%.

Theo Bộ Tài chính, tổng số vốn đã giải ngân của 29 cơ quan là 105.915,882 tỷ đồng, đạt 43,52%, cao hơn mức bình quân cả nước là 39,41%. Trong đó, 10 cơ quan giải ngân trên mức bình quân của cả nước; 13 cơ quan giải ngân thấp (10-39,41%); 6 cơ quan giải ngân rất thấp (dưới 10%).

Một số Bộ, ngành địa phương kiến nghị điều chỉnh giảm vốn phân bổ như Bộ Giáo dục và Đào tạo 271,028 tỷ đồng; Bộ Khoa học và Công nghệ 53,712 tỷ đồng; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội 1.293,263 tỷ đồng; Bộ Tài nguyên và Môi trường 312,498 tỷ đồng; Bộ Thông tin và Truyền thông 402,968 tỷ đồng; Ban quản lý các làng văn hóa du lịch Việt Nam 83,305 tỷ đồng; Quảng Bình 81,25 tỷ đồng…

Theo các Bộ, ngành, địa phương, nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư tại một số địa phương còn chậm, phát sinh nhiều vấn đề vượt thẩm quyền. Việc triển khai các dự án trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chậm giao kế hoạch vốn, thời gian giải ngân kế hoạch vốn ngắn.

Bên cạnh đó, đặc thù chi NSNN giao kế hoạch vào thời điểm đầu năm, dự án phải có khối lượng mới có thể giải ngân nên tiến độ giải ngân chung ở những tháng đầu năm tương đối thấp và sẽ đẩy mạnh vào các tháng cuối năm. Một số nguyên nhân khác mang tính chất đặc thù, chuyên ngành (dự án quan trọng quốc gia, di tích lịch sử, văn hóa...).

Ngoài ra, các địa phương chưa chủ động trong việc dự phòng quỹ đất cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, dẫn tới việc triển khai các dự án (khi được phê duyệt) còn chậm. Vẫn còn tình trạng dự án được dự kiến bố trí vốn nhưng đến nay chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa thể phân bổ hết kế hoạch vốn được giao và có khối lượng để giải ngân. Năng lực, trình độ của một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu.

Lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư đã trao đổi, làm rõ một số vấn đề lớn đang làm chậm trễ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với các dự án lớn hoặc sử dụng nguồn vốn ODA.

"Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành bộ tiêu chí để hướng dẫn Bộ, ngành, địa phương đánh giá mức độ sẵn sàng của các dự án đầu tư công trung hạn để xác định nhu cầu và khả năng giải ngân của dự án, từ đó khắc phục tình trạng đăng ký vốn nhiều nhưng không thực hiện được" - Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho hay.

2(4).jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật đầy đủ số liệu về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Chính phủ

Phân loại dự án để tháo gỡ

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật đầy đủ số liệu về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là dự kiến tình hình những tháng cuối năm trên cơ sở cam kết của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương với quyết tâm chính trị và nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo.

Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan phân loại những dự án có thể tăng tốc với các giải pháp quyết liệt từ nay đến cuối năm, còn những dự án chuẩn bị chưa đầy đủ, chưa sát yêu cầu thực tiễn, thiếu khả thi thì làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đề xuất, đăng ký vốn.

"Riêng những dự án chưa giải ngân do nguyên nhân khách quan, chưa bảo đảm tính hiệu quả nhưng vẫn cần thiết thì xem xét phương án sử dụng một phần vốn đã phân bổ để chuẩn bị dự án mới thật tốt để triển khai trong năm tiếp theo" - Phó Thủ tướng lưu ý.

Về hướng tháo gỡ khó khăn đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành khẩn trương làm việc với đối tác quốc tế để thống nhất cơ chế đền bù, đơn giản hóa thủ tục điều chỉnh dự án, đề xuất kéo dài dự án gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan…

Phân tích thêm về nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng phải làm rõ cả nguyên nhân do chuẩn bị dự án chưa tốt lẫn nguyên nhân thiếu thời gian để thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục đầu tư, từ đó đề xuất phương án duy trì nguồn vốn này cho các dự án đang triển khai.

Đối với khó khăn nguồn nguyên vật liệu xây dựng, Phó Thủ tướng nêu rõ: Trừ những dự án cấp bách, trọng điểm được áp dụng cơ chế riêng về khai thác, sử dụng mỏ vật liệu, các dự án khác phải chuẩn bị đầy đủ thủ tục về đánh giá tác động môi trường, bảo đảm chất lượng tư vấn, khảo sát nguồn vật liệu phục vụ dự án, không được tạo ra trường hợp cá biệt.

Phó Thủ tướng giao các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, xem xét gia hạn thời gian thực hiện, điều hòa các nguồn vốn đầu tư công trung hạn hoặc Chương trình phục hồi dành cho các dự án có tiến độ thực hiện tốt.

"Các Bộ, ngành, địa phương phải phát huy tinh thần trách nhiệm với đất nước, nhân dân trong giải ngân vốn đầu tư công. Cùng cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính nhưng có nơi làm tốt, có nơi gặp khó khăn thì các đồng chí chủ động trao đổi, áp dụng những bài học, kinh nghiệm hiệu quả trong tháo gỡ vướng mắc của Bộ, ngành, địa phương mình" - Phó Thủ tướng nói.

Đồng thời, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Số vốn đầu tư công được phân bổ còn rất thấp so với nhu cầu thực tế như trong ngành y tế, giáo dục… Vì vậy, người đứng đầu phải nhìn thấy hết, tổng hợp đầy đủ nhu cầu của Bộ, ngành, địa phương mình. Việc điều phối vốn đầu tư công phải được coi là mục tiêu, nhiệm vụ chính trị để giải quyết những nhu cầu cấp thiết trong đời sống kinh tế - xã hội hiện nay"./.

Cùng chuyên mục
  • BSC dành 1 tỷ đồng tặng nhà đầu tư chứng khoán
    một năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Từ ngày 11/9 đến hết ngày 03/11/2023, khi tham gia chương trình Cơ Hội Tới - Nhanh Mở Mới, nhà đầu tư mở mới tài khoản Chứng khoán BSC trong năm 2023 có cơ hội nhận hàng trăm quà tặng giá trị, trong đó có 4 chuyến du lịch Hàn Quốc dành cho 2 người.
  • PV GAS kỷ niệm 33 năm thành lập: Lan tỏa ý chí phát triển “Hành trình năng lượng xanh”
    một năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Tròn 33 năm thành lập Tổng công ty Khí Việt Nam – PV GAS (20/9/1990 – 20/9/2023), Lễ kỷ niệm đã được tổ chức, đón mừng tuổi đời mới của PV GAS giữa mùa thu tươi đẹp, hướng về các ngày kỷ niệm đáng nhớ của dân tộc và của ngành Dầu khí. Tuổi 33 hứa hẹn sẽ mở tiếp một trang sử của “Hành trình năng lượng xanh” với nhiều đổi mới, sáng tạo, đoàn kết và nhiệt huyết, đúng như mong ước và nỗ lực của tập thể Ban lãnh đạo, Cán bộ công nhân viên và người lao động (CBCNV-NLĐ) PV GAS.
  • Đầu tư phát triển bền vững, Vinamilk luôn nằm trong Top doanh nghiệp niêm yết hàng đầu hơn 10 năm qua
    một năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Năm 2023 là cột mốc kỷ niệm 20 năm Vinamilk chính thức cổ phần hóa. Qua 2 thập niên, “ông lớn” ngành sữa đã chứng minh được tính hiệu quả của mô hình sản xuất - kinh doanh cũng như năng lực quản trị ổn định trước những biến chuyển của thị trường.
  • Texfuture Việt Nam 2023 thúc đẩy sản xuất “xanh” cho ngành dệt may
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Triển lãm quốc tế Vải cao cấp Texfuture Việt Nam 2023 - mùa thu đông diễn ra từ ngày 20-22/9 tại TP. Hồ Chí Minh, tạo không gian giúp doanh nghiệp dệt may Việt Nam có một điểm đến thường niên cùng đồng hành phát triển, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, duy trì hoạt động và theo đuổi sản xuất “xanh”, góp phần tạo nên một tương lai bền vững và có trách nhiệm hơn.
  • Bình Định: Tăng cường triển khai các giải pháp xây dựng nông thôn mới
    một năm trước Địa phương
    (BKTO) - Việc tổ chức thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Bình Định đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, đời sống xã hội nông thôn thay đổi rõ rệt.
Phân loại những dự án có thể tăng tốc giải ngân từ nay đến cuối năm