Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo trước Quốc hội- Ảnh: quochoi.vn |
Trình bày báo cáo thẩm tra trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, năm 2019 tiếp tục đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, là năm thứ hai có tốc độ tăng trưởng khá, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra.
"Việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng GDP sẽ tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của Nhân dân, ổn định trật tự, an toàn xã hội. Kết quả tích cực này đã tạo ra hiệu ứng lan toả nhất định trên nhiều lĩnh vực giúp cho việc củng cố và tăng cường niềm tin trong Nhân dân và cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước"- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá. Tuy nhiên, để thấy rõ hơn những kết quả đạt được và tiếp tục duy trì những thành tựu, bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề.
Cụ thể, về tăng trưởng kinh tế, cơ quan thẩm tra đề nghị phân tích rõ động lực, chất lượng của tăng trưởng để phát huy cho các năm sau; đánh giá thực trạng và tác động của khoa học, công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế. Có ý kiến đề nghị phân tích về tổng thu nhập quốc gia (GNI) để đánh giá đầy đủ về tính tự chủ của nền kinh tế.
Về sản xuất công nghiệp, theo Ủy ban Kinh tế, một số lĩnh vực công nghiệp đạt kết quả tích cực, trong đó công nghiệp ô tô có sự phát triển mạnh. Tuy nhiên, việc phát triển thương hiệu quốc gia, sức cạnh tranh sản phẩm và bảo vệ thương hiệu trong nước vẫn chưa phát huy hiệu quả. Nội địa hóa, liên kết sản xuất một số sản phẩm như cơ khí chế tạo và hỗ trợ thị trường còn hạn chế. Các ngành công nghiệp hỗ trợ còn chậm phát triển.
Ngành nông nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực nhưng kết quả chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Ngành thủy sản gặp bất lợi khi Ủy ban Châu Âu chưa xem xét việc gỡ “Thẻ vàng”; cần làm rõ trách nhiệm của một số địa phương trong kiểm tra, giám sát tại cảng cá và hệ thống giám sát tàu cá.
Đối với khu vực dịch vụ, sự dịch chuyển nhanh chóng về loại hình, sản phẩm du lịch đặt ra yêu cầu cấp bách đối với các nhà quản lý, DN du lịch Việt Nam cần nâng cao hơn chất lượng và hiệu quả. Có ý kiến cho rằng việc quản lý các mô hình kinh doanh du lịch mới còn thiếu hành lang pháp lý, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Về hoạt động thương mại, mức tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước có cải thiện nhưng nhập siêu của khu vực này còn lớn. Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá cụ thể hơn những yếu tố, mặt hàng có đóng góp tích cực vào xuất khẩu. Cần phân tích thêm về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa; công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Cơ quan thẩm tra cũng bày tỏ băn khoăn khi đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng về số lượng dự án, nhưng giảm về số vốn đăng ký. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm; vốn giải ngân một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia còn nhiều vướng mắc.
Kết quả thu NSNN ước vượt dự toán, tuy nhiên, tỷ lệ huy động từ thuế, phí thấp so với mục tiêu. Các khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt thấp, tình trạng nợ đọng thuế còn lớn. Tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách đã được cải thiện nhưng vẫn còn cao. Việc thực hiện một số chính sách an sinh xã hội đã được quan tâm nhưng chưa đủ nguồn lực, chưa đạt hiệu quả cao. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số nơi còn hạn chế.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, việc triển khai cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc và việc tăng vốn điều lệ để đáp ứng chuẩn mực vốn theo thông lệ quốc tế còn khó khăn. Thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh, tuy nhiên một số lĩnh vực triển khai còn hạn chế. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo rõ việc kiểm soát tín dụng vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Về hoạt động DN, đề nghị Chính phủ phân tích rõ việc tăng lên của số lượng DN chờ giải thể và DN không hoạt động tại địa chỉ đăng ký. Thực hiện cơ cấu lại và cổ phần hóa DNNN còn chậm; công tác quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, cơ chế quản lý, giám sát và thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước còn bất cập. Công tác phối hợp và phân công trách nhiệm quản lý nhà nước giữa Ủy ban Quản lý vốn với các Bộ, ngành còn chưa rõ ràng, nhất là trong quản lý nguồn vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, mặc dù điều kiện kinh doanh đã cắt giảm, vượt mục tiêu đề ra, tuy nhiên vẫn còn những quan ngại cho rằng điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp. Một số chính sách trong Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa vẫn cần chờ nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể…
Làm rõ cơ sở của các chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020
Trên cơ sở đánh giá tình hình thế giới, khu vực và trong nước năm 2020, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thống nhất với Chính phủ về mục mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ cơ sở của một số chỉ tiêu.
Theo đó, về chỉ tiêu Tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 7%, đề nghị làm rõ cơ sở của chỉ tiêu này vì năm 2019 tổng kim ngạch xuất khẩu ước tăng 7,9% trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu thụ chậm lại dẫn đến kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của nước ta giảm hoặc tăng chậm lại như hàng thủy sản, rau quả, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Có ý kiến đề nghị cân nhắc giữ mục tiêu tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 7-8% (tương tự như mục tiêu đề ra của năm 2019).
Bên cạnh đó, chỉ tiêu tăng GDP năm 2020 là khoảng 6,8% (tương tự như kết quả ước đạt năm 2019), trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 khoảng 7% (thấp hơn kết quả ước đạt năm 2019). Đề nghị phân tích rõ hơn căn cứ xây dựng chỉ tiêu tăng GDP thông qua các yếu tố đóng góp vào GDP năm 2020 (so sánh với năm 2019) như tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, chi tiêu của Chính phủ, đầu tư tích lũy tài sản.
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên hop- Ảnh:quochoi.vn |
Tương tự, một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc chỉ tiêu Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 25%; vì hiện nay đang được dự kiến ở mức thấp khi năm 2019 ước tính tăng 2,1 điểm % so với năm 2018.
Về cân đối về điện, theo Báo cáo của Chính phủ, dự kiến điện sản xuất và mua năm 2020 khoảng 265,4 tỷ kWh. Cơ quan thẩm tra đề nghị báo cáo cụ thể về điện sản xuất và năng lực cung ứng điện trong nước hiện nay, để làm cơ sở cho việc cân đối về điện trong năm 2020.
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ quan tâm thêm các nhóm giải pháp, nhiệm vụ như: bảo đảm tiến độ xây dựng và chất lượng các dự án luật; tổ chức thực hiện có hiệu quả các luật đã ban hành; thực hiện quyết liệt việc cắt giảm thủ tục hành chính một cách thực chất; minh bạch và xử lý nghiêm sai phạm trong thực thi công vụ.
Rà soát, cơ cấu lại hợp lý một số khoản chi; kiên quyết điều chỉnh vốn của các dự án không triển khai được cho các dự án khác; hạn chế chuyển nguồn quá lớn cho năm sau. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia; thúc đẩy, tạo thuận lợi triển khai các dự án điện và dự án giao thông quan trọng; hoàn thiện khung pháp lý về giá điện hạ thế; chống tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản. Điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để phấn đấu kiểm soát lạm phát năm 2020 theo mục tiêu Quốc hội đề ra….
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị, tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động của các DNNN; đẩy nhanh cơ cấu lại DNNN; tháo gỡ vướng mắc trong cổ phần hóa. Kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; chú trọng phát triển nền tài chính toàn diện. Đẩy nhanh việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tăng cường sự phối hợp trong triển khai thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; có giải pháp để tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Đồng thời, chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm trong quản lý đất đai; quản lý cháy, nổ; quản lý y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch; bảo vệ môi trường; quản lý và bảo vệ rừng…
N. HỒNG