Tập trung giải quyết những khó khăn, bức thiết nhất của vùng dân tộc thiểu số và miền núi

(BKTO) - Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhấn mạnh như vậy khi thẩm tra Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn (Đề án), được Chính phủ trình Quốc hội tại phiên họp chiều nay 21/10.



Tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Báo cáo Quốc hội về Đề án, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đề án sẽ tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn cơ một số yêu cầu bức thiết về đời sống của đồng bào các dân tộc. Góp phần tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; thu hẹp dần khoảng cách với vùng phát triển; xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhấn mạnh quan điểm xây dựng Đề án, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, việc đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN là đầu tư cho phát triển bền vững gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; nâng cao mặt bằng dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nhằm đạt được mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau".
                
   

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày Đề án trước Quốc hội- Ảnh: quochoi.vn

   
Phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng; bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn vốn thực hiện các chính sách. Trong đó, nguồn lực Nhà nước là chủ yếu, quan trọng và có ý nghĩa quyết định, tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực khác. Phát triển KT-XH đi đôi với xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới quốc gia. Đầu tư phát triển KT-XH đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn nước, đa dạng sinh học; đặc biệt là bảo vệ và phát triển rừng. Đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, có trọng tâm, trọng điểm; là trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân.

Đề án sẽ được thực hiện ở địa bàn các xã vùng đồng bào DTTS&MN, các xã, thôn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn (không bao gồm xã thuộc vùng bãi ngang ven biển và hải đảo) giai đoạn 2021-2030.

Tập trung nguồn lực, khắc phục dàn trải, cào bằng

Trình bày báo cáo thẩm tra Đề án, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 74/2018/QH14, giao cho Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS&MN, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8 để thực hiện từ năm 2021, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị đối với công cuộc xây dựng, phát triển vùng DTTS&MN; thể chế hóa quy định tại Điều 5 Hiến pháp. Đây cũng là nội dung được Việt Nam cam kết trước cộng đồng quốc tế: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Về các nội dung cụ thể của Đề án, Hội đồng Dân tộc đề nghị điều chỉnh lại tên gọi của Đề án là: “Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng DTTS&MN”, để xác định rõ địa bàn, đối tượng của Đề án là vùng DTTS&MN, không bao gồm hơn 300 xã bãi ngang ven biển, hải đảo. Đồng thời, thống nhất với sự phân kỳ thực hiện từ năm 2021 đến năm 2030 theo đề nghị của Chính phủ.

Đề án xác định phạm vi thực hiện ở vùng DTTS&MN trên địa bàn 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, của 548 huyện, thị xã, thành phố, thuộc 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội đồng Dân tộc cho rằng, trong tổng số 5.266 xã thuộc vùng DTTS&MN, có 1.957 xã đặc biệt khó khăn ở khu vực miền núi, vùng cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa được đảm bảo, mức độ hưởng thụ thành quả phát triển chung của đất nước rất thấp. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần xác định phạm vi, địa bàn của Đề án theo hướng tập trung vào “vùng đặc biệt khó khăn” của vùng DTTS&MN để ưu tiên nguồn lực đầu tư, khắc phục tình trạng dàn trải, cào bằng, thiếu trọng tâm, trọng điểm như hiện nay.
                
   

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến trình bày báo cáo thẩm tra Đề án- Ảnh: quochoi.vn

   
Bên cạnh đó, Hội đồng Dân tộc cũng đề nghị Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn về những yếu tố, nội dung phù hợp, đang phát huy hiệu quả tốt của các chính sách để tiếp tục duy trì và phát huy. Đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém, bất hợp lý, khó khăn trong tổ chức thực hiện của các chính sách cụ thể để điều chỉnh, thay thế cho phù hợp.

Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện trong nửa đầu năm 2020 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành bộ tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số, miền núi thật sự bao quát đầy đủ những yếu tố đặc thù của các vùng, miền, bảo đảm khách quan, khoa học dễ thực hiện.

Đồng tình với 11 nhóm giải pháp chủ yếu phát triển KT-XH vùng DTTS&MN theo Đề án Chính phủ trình, song nhiều ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị, nội dung chương trình mục tiêu quốc gia mới cần quan tâm tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức thiết nhất hiện nay của vùng DTTS&MN, theo thứ tự ưu tiên, như: (1) Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; (2) quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư ở nơi cần thiết; (3) phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, hướng đến sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; khơi dậy, phát huy tiềm năng, thế mạnh ở vùng DTTS&MN; (4) đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống (đường giao thông, điện sinh hoạt và sản xuất, trường học, trạm y tế, nhà ở…); (5) phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (6) phát triển văn hóa- du lịch, gắn với bảo tồn, phát huy văn hóa, tri thức của đồng bào các dân tộc; (7) xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
  • Chính phủ đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng từ 01/7/2020
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Chiều 21/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện NSNN năm 2019, dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Đáng chú ý, Chính phủ đã đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2020. Nếu đề xuất này được Quốc hội thông qua thì mức lương cơ sở năm 2020 sẽ tăng thêm 110.000 đồng/tháng so với hiện tại (hiện tại là 1,49 triệu đồng/tháng).
  • Sẽ thiệt hại cho NSNN gần 5.000 tỷ đồng nếu lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Chiều 21/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã nghe Báo cáo của Chính phủ về việc đề nghị cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.
  • 99,42% kiến nghị của cử tri đã được xem xét giải quyết và trả lời
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Sáng 21/10, trình bày trước Quốc hội Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết: Thông qua 1.688 cuộc tiếp xúc cử tri, đã tổng hợp được 2.251 kiến nghị, qua phân loại, tổng hợp còn 2.224 kiến nghị. Đến nay, 2.211 kiến nghị đã được giải quyết hoặc trả lời, đạt 99,42%.
  • Tiếp tục khơi thông và tạo ra những động lực tăng trưởng mới
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, khu vực, kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế- xã hội của chúng ta là điểm sáng, tạo tiền đề vững chắc bước vào năm 2020- năm cuối của nhiệm kỳ, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch 5 năm 2016- 2020 theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, sáng 21/10.
  • Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng 21/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Tập trung giải quyết những khó khăn, bức thiết nhất của vùng dân tộc thiểu số và miền núi