Bản Báo cáo kiểm toán đã xem xét những nỗ lực của Chính phủ Pháp trong việc đảm bảo việc nhập cư có kiểm soát, mà vẫn tôn trọng quyền tị nạn và thúc đẩy sự hòa nhập của những người nhập cư hiện đã và đang sinh sống tại Pháp.
KTNN Pháp đánh giá, những nỗ lực trong việc trục xuất người nhập cư bất hợp pháp của Chính phủ trong thời gian qua là chưa thực sự hiệu quả, đồng thời khuyến nghị cần bổ sung nguồn lực tài chính để tăng số lượng các trường hợp hưởng hỗ trợ khi bị trục xuất. Các kiểm toán viên cho biết, mặc dù Chính phủ đã cố tình rút ngắn thời hạn đăng ký xin tị nạn song trên thực tế, nhiều trường hợp thời hạn xử lý đơn kéo dài tới 121 ngày so với thời gian 15 ngày như thông thường.
Báo cáo nhận định, Pháp đang trở thành quốc gia châu Âu đứng đầu về đơn xin tị nạn, từ 100.000 đơn vào năm 2017 tăng lên 120.000 vào năm 2018 và 130.000 vào năm 2019. Các kiểm toán viên lưu ý rằng, trong năm 2018, trong số những người nhập cư được cấp quyền cư trú tại Pháp, 75% được trao quyền duy trì tình trạng cư trú trong một năm nhưng sau đó, gần như tất cả những trường hợp nộp đơn xin gia hạn đều thành công và tiếp tục ở lại Pháp.
Để cải thiện hệ thống, KTNN Pháp khuyến nghị cấp quyền cư trú thường xuyên hơn trong thời gian dài hơn và cho phép gia hạn tự động khi hợp lý, đồng thời áp dụng chính sách hạn ngạch nhập cư kinh tế theo quốc tịch hoặc ngành nghề. Theo KTNN Pháp, chính sách hạn ngạch sẽ cho phép thu hút vào Pháp nhiều lao động có tay nghề mà thị trường đang cần, mở cửa nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho nhiều ngành nghề thiếu lao động.
Hồi cuối năm 2019, Thủ tướng Edouard Philippe đã thông báo về một chính sách nhập cư mới gồm 20 biện pháp. Theo đó, Chính phủ sẽ thắt chặt hơn nữa việc kiểm tra, chống nhập cư bất hợp pháp và tình trạng lạm dụng hệ thống bảo hiểm y tế, phúc lợi xã hội thông qua du lịch y tế - một hình thức khá phổ biến trong số người nhập cư vào Pháp.
HOÀNG BÁCH