Được thành lập vào năm 1963, Hin Leong nhanh chóng phát triển thành một trong những nhà cung cấp tàu chở dầu lớn nhất châu Á và trở thành “tay chơi lớn” trên sàn giao dịch dầu mỏ thế giới. Năm 2019, Hin Leong ghi nhận doanh thu đạt hơn 20 tỷ USD. Tuy nhiên, Tập đoàn đang sở hữu khoản nợ 3,85 tỷ USD tại hơn 20 ngân hàng. Hai ngân hàng đã yêu cầu Chính phủ Singapore bảo lãnh tài sản của Hin Leong để trả nợ, một số ngân hàng nộp đơn yêu cầu điều tra những vi phạm về thuế và công tác quản trị DN của Hin Leong.
Mới đây, Hin Leong cho biết, họ chỉ còn sở hữu 141 triệu USD các sản phẩm dầu trong kho chứa, so với con số 1,28 tỷ USD được công bố của Báo cáo tài chính vào tháng 10/2019. Tính tới tháng 4/2020, DN sở hữu 50 triệu USD tiền mặt, so với mức 461 triệu USD vào tháng 10/2019. Đáng chú ý, trong tháng 4/2020, Hin Leong cho biết, tổng tài sản của DN chỉ còn 714 triệu USD, trong khi Báo cáo tài chính được kiểm toán gần nhất ghi nhận 4,05 tỷ USD, để lại “lỗ hổng” 3,34 tỷ USD chưa được giải đáp.
Sự rối rắm và mờ ám trong hoạt động của Hin Leong làm dấy lên quan ngại về kết quả kiểm toán của các hãng kiểm toán đã hợp tác với DN này. Báo cáo tài chính gần nhất của Hin Leong tính tới năm tài chính kết thúc vào tháng 10/2019 do hãng Deloitte kiểm toán đã không đưa ra cảnh báo rủi ro nào cho DN.
Deloitte được bổ nhiệm làm hãng kiểm toán của Hin Leong vào năm 2003; từ đó, Hãng đã thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính của DN và khẳng định không ghi nhận khoản lỗ nào. Đại diện hãng Deloitte cho biết, hoạt động kiểm toán luôn được thực hiện với các chuẩn mực kiểm toán cao nhất và luôn tuân thủ tính chính xác của các thông tin vào thời điểm kiểm toán. Ngoài ra, Deloitte không đưa ra bình luận thêm với lý do bảo mật thông tin của khách hàng.
Hiện, Hin Leong đã nộp đơn xin bảo hộ thanh toán với các chủ nợ theo Luật DN Singapore. Hin Leong cũng thuê hãng kiểm toán PwC và Công ty Luật Rajah & Tann giữ vai trò cố vấn, giúp DN đàm phán với các chủ nợ và cố gắng tái cơ cấu nợ.
TUỆ LÂM