Phát huy hiệu quả nguồn lực tài chính thúc đẩy phát triển kinh tế

(BKTO) - Nguồn lực tài chính là yếu tố then chốt trong hoạt động của toàn bộ nền kinh tế. Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến trở thành nước phát triển, thu nhập cao, đòi hỏi cần tiếp tục phát huy, nâng cao hiệu quả việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính của nền kinh tế.

11.jpg
Nguồn lực tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở Việt Nam. Ảnh minh họa

Nguồn vốn cho nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng

Thông tin về sự phát triển của những “chân kiềng” chính trên thị trường vốn - thị trường có vai trò cung cấp nguồn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) - cho biết, với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN), trong những năm gần đây, thị trường có sự tăng trưởng nhanh giúp thu hẹp khoảng cách về quy mô thị trường vốn và tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, sau giai đoạn bùng nổ và đạt khối lượng phát hành kỷ lục vào năm 2021 với hơn 740 nghìn tỷ đồng; năm 2022-2023, thị trường chứng kiến sự biến động rất mạnh, khối lượng trái phiếu phát hành sụt giảm và hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn gia tăng. Tính đến tháng 6/2024, dư nợ thị trường trái phiếu DN chiếm 9,64% GDP, cách xa mục tiêu đề ra tại Chiến lược tài chính đến năm 2030 là đến năm 2025 đạt 20% GDP.

Về thị trường bảo hiểm, tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của thị trường đạt 913.308 tỷ đồng, tăng 11,12% so với năm 2022; số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 762.580 tỷ đồng, tăng 12,78% so với năm 2022. Tuy nhiên, bên cạnh sự tăng trưởng nhanh, thị trường bảo hiểm cũng còn tồn tại một số hạn chế, chẳng hạn như: Hệ thống quản trị rủi ro tại các DN bảo hiểm chưa hoàn thiện dẫn đến tình trạng DN không kịp thời phát hiện rủi ro phát sinh từ hoạt động nghiệp vụ, hoạt động tài chính; hoạt động phân phối bảo hiểm qua đại lý tổ chức chưa được chuẩn hóa, chất lượng đại lý bảo hiểm chưa cao dẫn đến sự thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm…

Đối với thị trường chứng khoán, mặc dù quy mô vốn hóa thị trường lớn, nhưng lượng vốn huy động qua phát hành cổ phiếu vẫn tương đối nhỏ. Tính từ năm 2019 đến tháng 7/2024, lượng vốn huy động qua kênh cổ phiếu còn khiêm tốn, ước đạt khoảng 750 nghìn tỷ đồng…

Cũng đánh giá thị trường vốn phát triển chưa đạt như kỳ vọng, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - cho biết, trong cơ cấu vốn của nền kinh tế, tỷ trọng dòng vốn tín dụng tăng lên rõ rệt, từ mức 40,71% (năm 2019) tăng lên 53,54% (6 tháng đầu năm 2024). Trong khi đó, thị trường cổ phiếu và trái phiếu DN chỉ cung ứng lần lượt 0,75% và 8% tổng lượng vốn cho nền kinh tế trong nửa đầu năm 2024, sụt giảm lần lượt từ mức 3,1% và 12,28% vào năm 2019…

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Lê Quốc Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Dự báo, thống kê, Ngân hàng Nhà nước - cho biết, đặc trưng của nền kinh tế Việt Nam là vẫn phụ thuộc chủ yếu vào vốn tín dụng ngân hàng. Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng và ở mức cao. Với quy mô tín dụng năm 2023 đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng, tỷ lệ tín dụng/GDP năm 2023 đạt khoảng 130%, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ này ở mức cao. “Thị trường vốn - tài chính chưa phát triển tương xứng, nên các nguồn lực trong nền kinh tế chưa được huy động hiệu quả, nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế tập trung phần lớn vào tín dụng ngân hàng. Thực tế này không chỉ dồn áp lực, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, mà còn phân tán nguồn lực, hạn chế khả năng đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế” - ông Hưng nói.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam tiệm cận mức của các nước phát triển như Australia, Trung Quốc và cao hơn rất nhiều so với các nước có nền kinh tế tương đồng như Indonesia, Philippines.

Cần nâng cao hiệu quả phân bổ, sử dụng nguồn lực tài chính

Bên cạnh những hạn chế trong việc huy động nguồn lực tài chính cho nền kinh tế, theo các chuyên gia, việc phân bổ, sử dụng nguồn lực tài chính trong thời gian qua cũng còn những bất cập, tồn tại nhất định. Chẳng hạn như, theo TS. Nguyễn Bích Lâm - Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, công tác triển khai dự toán chi ngân sách nhà nước, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công ở một số Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thời gian qua còn chậm, kéo dài. Đặc biệt, hiệu quả đầu tư của khu vực nhà nước nhìn chung còn khá thấp. Theo các số liệu thống kê, chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) năm 2020-2021 là 14,5 - 15%, năm 2022 giảm xuống 5%, năm 2023 là 7% (tức là bỏ ra 7 đồng vốn đầu tư thì được 1 đồng tăng trưởng GDP). Nguyên nhân là do đầu tư dàn trải, nhiều công trình, các công trình đầu tư để đưa vào hoạt động sử dụng chiếm thời gian dài. Ngoài ra, cơ cấu phân bổ vốn đầu tư công có xu hướng sụt giảm, chậm cải thiện ở một số lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như công nghiệp chế biến - chế tạo, khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế… “Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung mọi nguồn lực thực hiện dứt điểm những công trình trọng điểm quốc gia, trọng điểm vùng và địa phương. Đồng thời, trong thời gian tới, Chính phủ cần rà soát, phân bổ cơ cấu đầu tư công hợp lý hơn, dành nhiều nguồn lực tài chính hơn cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo…, có như vậy, chất lượng tăng trưởng mới được cải thiện theo chiều sâu” - ông Lâm đề xuất.

Chia sẻ khuyến nghị để huy động các nguồn lực tài chính phục vụ phát triển đất nước, ông Lê Quốc Hưng cho rằng, Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế để phát triển đồng bộ thị trường vốn - tài chính, nhằm cải thiện, tăng cường nguồn vốn trung và dài hạn, huy động nguồn lực từ trong dân nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm bớt gánh nặng cung ứng vốn trung, dài hạn cho ngành ngân hàng.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Việt Nam cần hướng đến xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, điều này sẽ giúp thị trường tài chính Việt Nam phát triển lành mạnh, hiệu quả, bắt nhịp quốc tế, thu hút các nguồn lực tài chính nước ngoài, tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn quốc tế vào Việt Nam. Đối với thu hút, huy động nguồn lực vốn tư nhân, hiện nay, DN vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư, do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cùng với tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư của DN./.

Cùng chuyên mục
  • Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam và Lào thăm, làm việc tại THACO Chu Lai
    13 ngày trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Ngày 04/9, Đoàn đại biểu Quốc hội 2 nước CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào đã đến thăm và làm việc tại KCN THACO Chu Lai. Đón tiếp đoàn có ông Lương Nguyễn Minh Triết - Uỷ viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam và ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT THACO.
  • "Số hóa” nông nghiệp để nông dân làm chủ đồng ruộng
    13 ngày trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Chuyển đổi số trong nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giúp người nông dân rút ngắn khoảng cách giữa khâu sản xuất với tiêu thụ. Song, chặng đường “số hóa” vẫn còn là một hành trình dài với không ít thách thức đặt ra…
  • Chính sách tài khóa: Tiếp tục mở rộng hay thắt chặt?
    14 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Từ năm 2020 đến nay, nước ta đã thực hiện chính sách tài khóa mở rộng (nới lỏng) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thông qua việc miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế, phí và tiền thuê đất gần 200.000 tỷ đồng/năm. Lũy kế 8 tháng, thu ngân sách nhà nước ước tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2023, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng khá tích cực, thậm chí dự báo đạt 6,5% vào năm 2025-2026. Vậy, Việt Nam nên thực hiện chính sách tài khóa như thế nào trong thời gian tới?
  • Sửa Luật Chứng khoán: Bảo vệ nhà đầu tư, nâng cao chất lượng thị trường
    14 ngày trước Tài chính
    (BKTO) - Luật Chứng khoán năm 2019 đang được Bộ Tài chính lên kế hoạch sửa đổi trong Dự án Luật sửa đổi một số điều của 7 luật. Một trong những đề xuất đáng chú ý tại Dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán vừa công bố, đó là việc có thêm các quy định “siết chặt” hơn để bảo vệ nhà đầu tư, nâng cao chất lượng thị trường.
  • Tăng thuế rượu, bia: Cân nhắc lộ trình phù hợp để nuôi dưỡng nguồn thu
    14 ngày trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Khẳng định việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với rượu, bia là cần thiết song nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng thuế không nên chỉ nhằm đến một mục tiêu là hạn chế tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe, mà còn phải để doanh nghiệp duy trì hoạt động một cách hợp lý, nuôi dưỡng nguồn thu.
Phát huy hiệu quả nguồn lực tài chính thúc đẩy phát triển kinh tế