Lập pháp chủ động, bám sát hơi thở cuộc sống
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh: “Công tác xây dựng pháp luật phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, chỉ xem xét ban hành luật có căn cứ khoa học thực tiễn, có cơ sở chính trị, pháp lý và đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của cuộc sống”.
Với tinh thần đó, trong năm 2023, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, lắng nghe thực tiễn, chủ động vào cuộc “từ sớm, từ xa” và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác lập pháp. Phương thức làm việc chủ động, đồng hành cùng Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan tháo gỡ những vướng mắc về thể chế tiếp tục được phát huy mạnh mẽ và đem lại những kết quả quan trọng, góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Năm 2023 là một năm rất bận rộn, sôi động của Quốc hội trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, năng động, chủ động, nâng cao dân chủ và pháp quyền, kiến tạo phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã xem xét kỹ lưỡng, biểu quyết thông qua 8 luật; cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp đối với 2 luật; thông qua 3 nghị quyết quy phạm pháp luật. Đồng thời, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), cho ý kiến lần thứ hai, hoàn thiện một bước cơ bản đối với Dự án Luật quan trọng này; cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 2 nghị quyết quy phạm pháp luật và 7 luật; cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật. “Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan đã hoàn thành 114/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt 83,2%” - Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết.
Nhiều quyết sách quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước được Quốc hội ban hành sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế, tạo nguồn lực phát triển bền vững đất nước. Điển hình như: Quốc hội đã thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục cho phép thí điểm một số chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, tạo thuận lợi tối đa trong tổ chức đầu tư 21 dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm đường bộ kết nối vùng và liên tỉnh. Quốc hội cũng quyết định việc áp dụng các quy định về thuế Tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, để vừa chủ động giành được quyền đánh thuế bổ sung, vừa tạo môi trường đầu tư thuận lợi để “giữ chân” và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, Quốc hội quyết định tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế Giá trị gia tăng; cho phép tiếp tục phân bổ hơn 100.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Chương trình mục tiêu quốc gia cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để bổ sung thêm vốn cho nền kinh tế. Quốc hội yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW…
Để có được kết quả trên, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan, tổ chức hữu quan đã làm việc khẩn trương, liên tục không kể ngày đêm với tinh thần chủ động, vào cuộc “từ sớm, từ xa” để rà soát, hoàn thiện các dự luật đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Dấu ấn đổi mới trong hoạt động giám sát
Cùng với công tác lập pháp, năm 2023, hoạt động giám sát của Quốc hội đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, thể hiện rõ tinh thần kiến tạo phát triển, đồng hành với Chính phủ.
Chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội không ngừng được nâng cao thông qua việc lựa chọn chủ đề chất vấn cũng như việc tìm tòi để đổi mới công tác chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Trong đó, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 đã để lại ấn tượng đặc biệt với những đổi mới, thậm chí “chưa có tiền lệ” về phạm vi, nội dung chất vấn, cách thức tiến hành chất vấn. “Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 Bộ trưởng, Trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Với phạm vi chất vấn rất rộng, liên quan đến 21 lĩnh vực khác nhau, được sắp xếp thành 4 nhóm lĩnh vực” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Cũng lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, về chất vấn đối với các lĩnh vực: Kinh tế tổng hợp; kinh tế ngành; nội chính, tư pháp; văn hóa, xã hội. Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - đánh giá, việc thay đổi hình thức chất vấn theo nhóm vấn đề giúp sự linh hoạt trong điều hành, chất vấn và trả lời chất vấn, đồng thời giúp xử lý vấn đề một cách tổng thể, toàn diện hơn.
Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục là một điểm sáng trong công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lần đầu tiên, một chuyên đề giám sát tích hợp cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng của đất nước được Quốc hội tiến hành giám sát tối cao giữa kỳ. Chuyên đề giám sát này là minh chứng cho thấy hoạt động giám sát không phải chỉ theo kiểu “hậu kiểm” mà còn là những vấn đề đang trong quá trình điều hành, tổ chức thực hiện. Qua đó, Quốc hội đồng hành với Chính phủ nhận diện những khó khăn, vướng mắc, bất cập khi triển khai để có giải pháp khả thi, hiệu quả hơn. Từ kết quả giám sát, lần đầu tiên ngay trong Nghị quyết về giám sát, Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương chuẩn bị dự thảo nghị quyết của Quốc hội để xem xét một số cơ chế, chính sách đặc thù theo trình tự thủ tục rút gọn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Cũng trong năm 2023, lần đầu tiên, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Đây là minh chứng cho thấy Quốc hội luôn lắng nghe, tôn trọng tiếng nói của cử tri, quan tâm giải quyết kiến nghị của cử tri.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Đây là phương thức giám sát quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm…
Những kết quả tích cực toàn diện trong năm 2023 sẽ tạo tiền đề vững chắc để Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng…/.