Tập trung 5 nhóm giải pháp chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp

(BKTO) - Trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (ảnh) cho rằng, để trợ lực cho doanh nghiệp cần nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, cần tập trung giải quyết ngay những bất cập đã được doanh nghiệp phản ánh nhiều lần.

bt-chi-dung.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Trải qua năm 2023 với những khó khăn chồng chất, ông đánh giá như thế nào về những khó khăn cũng như những thuận lợi đối với doanh nghiệp trong năm 2024?

Theo đánh giá của các tổ chức uy tín quốc tế và chuyên gia, Việt Nam đang có một số lợi thế như: kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được củng cố; các ngành kinh tế mới như: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tạo cơ hội các doanh nghiệp Việt Nam hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới; 16 Hiệp định thương mại tự do đã ký kết tạo lợi thế cho các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới trang thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh; vị thế, uy tín và vai trò của nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao qua việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hàn Quốc và Mỹ gần đây.

Bên cạnh những thuận lợi trên, tình hình trong nước và quốc tế còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức: tăng trưởng kinh tế, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước lớn khó có thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn tạo rủi ro, sức ép lớn đến thị trường đầu ra và chi phí đầu vào của doanh nghiệp; các nước gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, xây dựng hàng rào kỹ thuật, yêu cầu của các thị trường về sản xuất xanh, bền vững đang đặt ra các thách thức lớn đối với doanh nghiệp trong nhiều ngành, lĩnh vực.

Như ông vừa phân tích ở trên, từ góc độ người thiết kế chiến lược chính sách, theo ông đâu là giải pháp để trợ lực cho doanh nghiệp?

Hiện nay, chúng ta có gần 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên chủ yếu có quy mô nhỏ bé, với gần 98% là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Thời gian qua, các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau dịch bệnh Covid-19, lại tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức do tác động của các bất ổn kinh tế, địa, chính trị thế giới. Do đó, với sức khoẻ còn yếu thì các doanh nghiệp khó có thể hấp thụ được nguồn vốn. Để trợ lực cho doanh nghiệp thì cần giải quyết vấn đề căn cơ, nguyên nhân gốc rễ thay vì xử lý vấn đề hiện tượng. Vì vậy, theo tôi cần tập trung vào 5 nhóm giải pháp có tính chiến lược như sau:

Thứ nhất, nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Cần xác định rõ việc cải cách thể chế, tháo gỡ ngay các rào cản pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi là giải pháp đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, cần tập trung giải quyết ngay những bất cập đã được doanh nghiệp phản ánh nhiều lần như quy định về phòng cháy chữa cháy, kiểm tra chuyên ngành... Tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, kiên quyết không ban hành thêm các điều kiện không cần thiết, điều kiện kinh doanh dưới hình thức các tiêu chuẩn kỹ thuật làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời cần khẩn trương cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện cơ chế bảo vệ cho cán bộ công chức thi hành công vụ, dám đột phá, không vụ lợi tại Nghị định số 73/2023/NĐ-CP. Đây là điểm nghẽn quan trọng cần tiếp tục tháo gỡ trong thời gian tới.

Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Khẩn trương tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính như vấn đề hoàn thuế GTGT mà các doanh nghiệp phản ánh trong thời gian dài; rà soát, cắt giảm một số chi phí còn bất hợp lý so với thực tiễn hoạt động kinh doanh như: chi phí kiểm dịch động vật, định mức chi phí tái chế, chi phí lưu kho bãi…; nghiên cứu chính sách giảm tỷ lệ đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống 1%. Rà soát tổng thể các chính sách về thuế hiện hành, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi thuế và lộ trình áp dụng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp chuyển đổi số.

Tiếp tục rà soát chính sách tín dụng nhằm tiết giảm chi phí, hạ lãi suất vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn. Thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành. Nâng cao hiệu quả hoạt động các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khẩn trương ban hành Quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (Fintech).

Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Thứ tư, hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.

Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các ngành: sản xuất chip bán dẫn, năng lượng mới (hydrogen)…; hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

Theo ông, để nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước làm chủ công nghệ lõi, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì?

Để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước làm chủ công nghệ lõi, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, qua đó góp phần đạt được mục tiêu nêu ra tại Nghị quyết 41-NQ/TW, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng không chỉ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, mà cả các doanh nghiệp cũng cần phải hành động từ sớm, từ xa, để vượt qua thách thức, chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội, phát triển bền vững tạo ra những giá trị mới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, Chính phủ tiếp tục kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch; bãi bỏ các rào cản, quy định về điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý. Tháo gỡ những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất kinh doanh phù hợp với những qui định và cam kết quốc tế.

Thứ hai, Chính phủ cần nghiên cứu các chính sách khuyến khích đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và viện nghiên cứu, đại học; kết nối giữa người mua và bán, sản xuất và tiêu dùng để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ.

Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương chủ động hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ qua đó thúc đẩy kết nối với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn, từng bước tham gia bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng giá trị sản xuất nội địa…

Thứ tư, các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật, tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; tiên phong đổi mới sáng tạo..

Thứ năm, nhằm góp phần thực hiện các giải pháp trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu xây dựng nhiều chính sách, triển khai nhiều hoạt động cụ thể như cụ thể hoá các chính sách của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025,... nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc thúc đẩy các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp để tận dụng được các công nghệ số.

Xin cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục
Tập trung 5 nhóm giải pháp chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp