Phát huy tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc

(BKTO) - Ngày 23/9, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ VIII, năm 2022.



                
   

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: BCT

   

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh, khu vực 28 tỉnh, thành phố phía Bắc là khu vực có vị trí địa lý hết sức quan trọng của đất nước, bao gồm toàn bộ 02 vùng kinh tế - xã hội Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng và một phần vùng Bắc Trung bộ. Đây cũng là khu vực có Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Vùng kinh tế Thủ đô, Tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Hội nghị nhằm tập trung đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành Công Thương của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện những tháng cuối năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến cho Báo cáo của ngành Công Thương khu vực phía Bắc, đồng thời tập trung thảo luận, trao đổi những kinh nghiệm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan trong công tác quản lý nhà nước của các Sở, ngành ở địa phương. Từ đó đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo liên kết, hỗ trợ, hợp tác trong phát triển ngành Công Thương mỗi tỉnh, thành phố và toàn khu vực.

Theo ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, những năm vừa qua, ngành Công Thương đã và đang tiếp tục có những đóng góp rất lớn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Tuy nhiên, xét về mặt tổng quan, hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại của toàn khu vực vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế. Khoảng cách phát triển giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực vẫn tương đối lớn. Đây là những thách thức đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi tỉnh, phục vụ cho giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi phải có sự liên kết, hợp tác giữa 28 tỉnh, thành phố trong khu vực.

9 tháng đầu năm 2022, sản xuất công nghiệp của đa số các tỉnh trong khu vực tiếp tục tăng trưởng ở mức cao so với cùng kỳ; có 21 tỉnh, thành phố có mức tăng trên 11%, cao hơn mức tăng của cả nước (dự kiến cả nước tăng 10,3%) đặc biệt có những tỉnh chỉ số sản xuất công nhiệp (IIP) ở mức tăng trưởng trên 30% so với cùng kỳ. Sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khu vực phía Bắc 9 tháng ước đạt 1.612,9 nghìn tỷ đồng, tăng 27,6% so với cùng kỳ. Trong đó, nhiều tỉnh, thành phố có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng cao so với cùng kỳ.Tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực phía Bắc 9 tháng ước đạt 160,87 tỷ USD, tăng 17%.Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 160,66 tỷ USD, tăng 23,4%.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, với sự quyết tâm cao, ngành Công Thương khu vực phía Bắc đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế. Một số ngành công nghiệp có thế mạnh của khu vực vẫn phụ thuộc nhiều vào linh kiện, phụ tùng nhập khẩu, khiến sản xuất còn bị động, chi phí cao...

Vốn đầu tư và năng suất lao động chưa ổn định, chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại còn chậm, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh còn thấp.

Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu phần lớn phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp còn thấp nên hạn chế khả năng sản xuất sản phẩm, dịch vụ có tính ưu việt, chất lượng và giá trị cao.

Kết cấu hạ tầng thương mại được đầu tư nhưng vẫn còn thiếu đồng bộ, tính kết nối chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, đặc biệt ở các tỉnh còn khó khăn.

Công tác liên kết vùng còn nhiều hạn chế, nhất là các hoạt động hợp tác giữa các địa phương trong việc thu hút đầu tư theo hướng chuyên môn hóa để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương tạo động lực cho phát triển của toàn vùng.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2022, các địa phương trong khu vực cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01, 02 và Chương trình phục hồi kinh tế;tập trung hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh, thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức triển khai hiệu quả sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đặc biệt, các địa phương cùng cả nước phải tập trung ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất…

Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng phát triển thương hiệu đối với các mặt hàng có thế mạnh của địa phương, phối hợp với các Bộ, ngành xử lý tốt vấn đề về truy xuất nguồn gốc bảo đảm chất lượng hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của các nước.

Cần hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo… - Thứ trưởng Đặng Hoàng An nêu rõ./.
QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
Phát huy tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc