Dư địa lớn nhưng sản xuất còn hạn chế
Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thời gian qua, chăn nuôi gia cầm đã có những bước phát triển nhảy vọt. Từ chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ, tự phát, dần dần chuyển thành chăn nuôi tập trung với quy mô lớn hơn; năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng tăng; số đầu gia cầm tăng bình quân mỗi năm trên 6%; sản lượng thịt hơi của gia cầm đạt trên 1 triệu tấn, trứng đạt trên 11 tỷ quả. Việt Nam hiện đã xuất khẩu giống gia cầm đạt từ 1,25 - 1,5 triệu con. Sản phẩm gia cầm đã qua chế biến xuất khẩu (trứng vịt muối) duy trì mỗi năm khoảng từ 10 - 15 triệu quả. Thịt gà qua chế biến bắt đầu xuất khẩu từ tháng 9/2017, năm 2018 đạt gần 8.000 tấn.
Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu trứng chim cút đóng hộp, gà ác tiềm, lòng đỏ trứng vịt muối, trứng vịt muối luộc và bột trứng. Tuy nhiên, chăn nuôi gia cầm còn hạn chế trong liên kết sản xuất, tình trạng mất cân đối cung - cầu do chăn nuôi nông hộ còn nhiều, giá thành sản phẩm cao, dịch bệnh luôn đe dọa.
Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, với dân số gần 100 triệu người và khoảng 15 triệu khách du lịch, Việt Nam là thị trường vô cùng tiềm năng của ngành chăn nuôi gia cầm. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, Việt Nam tiêu thụ thịt gà ở mức chưa nhiều; sản lượng tiêu thụ trứng gà của người dân Việt Nam còn rất thấp, chỉ ở mức 110 - 120 quả/người/năm. Trong khi đó, ở các nước như Thái Lan hay Indonesia, sản lượng này ở mức từ 250 - 340 quả/người/năm. Đối với thị trường thế giới, dựa trên lợi thế so sánh về ưu thế sản xuất, lợi thế về thương mại, ngành thịt gia cầm của Việt Nam có thể xác định mục tiêu đến các thị trường quốc tế như: Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines. Việc xuất khẩu sản phẩm trứng gia cầm cần tập trung cho thị trường truyền thống là các nước Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
Sản xuất gia cầm cần theo quy hoạch
Chia sẻ về những khó khăn khi xuất khẩu sản phẩm gia cầm vào các thị trường quốc tế, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phạm Văn Đông cho biết, để đưa được chuỗi thịt gà qua chế biến vào thị trường Nhật Bản, Cục Thú y đã phải mất 2 năm đàm phán với Cục thú y Nhật Bản, Cục An toàn Y tế Nhật Bản, cung cấp các kết quả giám sát dịch cúm gia cầm, các vi sinh vật gây hại, chất tồn dư độc hại… theo chuỗi khép kín từ sản xuất thức ăn đến khâu giết mổ. Mặc dù thịt gà qua chế biến đã được phép xuất khẩu vào thị trường này nhưng quy trình kiểm soát chất lượng được thực hiện hết sức nghiêm ngặt, từng lô hàng khi cập cảng của nước nhập khẩu đều phải được lưu lại ở cảng để cơ quan thú y Nhật Bản tổ chức lấy mẫu kiểm tra các loại mầm bệnh, các chỉ tiêu về tồn dư kháng sinh…, các tiêu chí này phải đạt yêu cầu thì mới được phép đưa vào tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản.
Do vậy, để có thể xuất khẩu được các sản phẩm gia cầm, việc kiểm soát tốt dịch cúm gia cầm và xây dựng cơ sở vùng an toàn dịch bệnh là hết sức quan trọng. Mặt khác, cần tổ chức kiểm soát các vi sinh vật khác, loại bỏ các chất tồn dư độc hại trong sản phẩm để đảm bảo yêu cầu nhập khẩu, đặc biệt là các nước yêu cầu cao như: Nhật Bản, Australia, Singapore.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng, trước mắt, ngành gia cầm Việt Nam cần tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn có chứng nhận chất lượng; đầu tư nghiên cứu sâu nhằm gắn sản xuất với nhu cầu và yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu. Việt Nam cần tiếp tục mở rộng thị trường và xuất khẩu sản phẩm gia cầm vào các thị trường tiềm năng như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines....
Là DN đang xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn De Heus Nguyễn Quang Hiếu đề xuất, muốn đẩy mạnh xuất khẩu gia cầm trong tương lai, trước hết phải xây dựng được các vùng an toàn dịch bệnh và có các cơ chế phù hợp để bảo vệ những trang trại chăn nuôi, đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn đối với nhà nhập khẩu từ các nước.
Để thúc đẩy sản xuất gia cầm hướng đến xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, thúc đẩy sản xuất gia cầm phải theo quy hoạch, không phát triển tràn lan. Theo đó, chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất đảm bảo an toàn về thú y, tránh để phát sinh dịch bệnh trên gia cầm.
Từng quy mô ngành hàng phải định dạng được thị trường, tránh cung vượt cầu. Mặt khác, cần đảm bảo an toàn và hiệu quả là vấn đề phải tính toán cụ thể, đòi hỏi các địa phương kiểm soát chặt chẽ các chuỗi giá trị về sản xuất gia cầm. Để chiếm lĩnh được thị trường xuất khẩu, ông Cường cho rằng, cần phát triển các chuỗi sản xuất khép kín, hướng đến các mô hình trang trại thay vì nông hộ như hiện nay; phát triển các sản phẩm chế biến nhằm tránh các rào cản đối với các quốc gia có hàng rào kiểm dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm cao; tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn, có chứng nhận chất lượng; tạo điều kiện cho các DN đã có sản phẩm gia cầm xuất khẩu sang các thị trường thế giới mở rộng quy mô sản xuất, phát triển sản phẩm.
LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 17+18 ra ngày 25-4-2019