Phát triển đô thị thông minh cần tầm nhìn dài hạn

(BKTO) - Việc xây dựng, phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) là hướng đi quan trọng để cải thiện hiệu lực, hiệu quả quản trị đô thị và nâng cao chất lượng của các đô thị. Do đó, cần tầm nhìn dài hạn, toàn diện trong xây dựng ĐTTM để đạt được sự phát triển bền vững.

15.jpg
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đang triển khai đề án phát triển đô thị thông minh. Ảnh minh họa

Còn nhiều thách thức cản trở phát triển đô thị thông minh

Theo Bộ Xây dựng, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030, đến nay, trên cả nước đã có 48/63 tỉnh, thành phố đang triển khai đề án phát triển ĐTTM. Hơn 40 địa phương đã triển khai Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh và gần 100 IOC cấp huyện. Các đô thị hiện tại triển khai phát triển hệ thống IOC và các tiện ích ĐTTM, dịch vụ thông minh tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông (giám sát trật tự, an toàn giao thông), y tế, giáo dục, phát triển các ứng dụng cảnh báo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, việc triển khai xây dựng ĐTTM vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Các địa phương hiện nay đang chủ yếu tập trung vào việc phát triển và cung cấp các dịch vụ, tiện ích ĐTTM gắn với các dịch vụ của chính quyền điện tử, chính quyền số, đây mới chỉ là giải quyết được “phần ngọn” của vấn đề. Trong khi đó, công tác quy hoạch và quản lý ĐTTM để giải quyết các vấn đề căn cơ, bài toán lớn của đô thị như: Giao thông, năng lượng, môi trường… chưa được chú trọng nhiều. Hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn, chưa thực sự đi vào chiều sâu, nhằm đạt được kết quả cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và quản lý đô thị hiệu quả, tinh gọn.

Đánh giá quá trình phát triển ĐTTM hiện vẫn còn kém hiệu quả, ông Trần Ngọc Linh - Chuyên gia Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng - cho biết, nguyên nhân là do có nhiều thách thức, vướng mắc. Theo đó, thách thức lớn nhất được nhìn nhận đó là sự hạn chế về nguồn lực và dữ liệu. Hiện nay, các địa phương chủ yếu mới đang triển khai ở những bước cơ bản, còn các nội dung cốt lõi liên quan đến quy hoạch thông minh và quản lý xây dựng phát triển ĐTTM còn gặp khó vì không có chính sách hỗ trợ, các địa phương cũng không được hướng dẫn nên chưa thể triển khai thực hiện.

Tại Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu: Đến năm 2030, Việt Nam sẽ hình thành các chuỗi ĐTTM khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, lấy TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, TP. Cần Thơ là hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các ĐTTM.

Thách thức nữa đó là cơ chế nguồn lực cho phát triển ĐTTM vẫn còn hết sức hạn chế, do chưa có hình thức liên kết, kết nối khối doanh nghiệp, kinh tế tư nhân trong phát triển ĐTTM; đồng thời, việc phát huy nguồn lực từ xã hội còn riêng rẽ, chưa đồng bộ, hệ thống hóa. Ngoài ra, tính kết nối, cơ chế chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương đang tiến hành xây dựng ĐTTM còn chưa cao cũng là lý do dẫn đến việc phát triển ĐTTM tại Việt Nam không đồng đều, khó bền vững.

Từ phía địa phương, ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế - cũng trăn trở, vấn đề khó khăn nhất địa phương còn gặp phải trong quá trình xây dựng thành phố thông minh là về quy hoạch. “Các đề án quy hoạch thực hiện theo yêu cầu số hóa còn bị “chồng lớp” giữa các ban, ngành, như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng. Địa phương đã cố nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để tháo gỡ nhưng càng nâng cấp càng rối” - ông Sơn cho hay.

Cần lựa chọn mô hình đô thị thông minh phù hợp, hiệu quả

Từ thực trạng trên, đưa khuyến nghị để thúc đẩy việc xây dựng, phát triển ĐTTM hiệu quả, bền vững, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, phát triển ĐTTM là một quá trình liên tục và lâu dài, do vậy cần tầm nhìn dài hạn, toàn diện và một cách tiếp cận tổng thể, không chỉ tập trung vào khía cạnh công nghệ. Cũng giống như chuyển đổi số, đó là sự thay đổi về tư duy và nhận thức nhiều hơn. Do đó, người đứng đầu chính quyền địa phương, đô thị cần nhận thức đúng và đầy đủ về ĐTTM.

Bên cạnh đó, phát triển ĐTTM với đặc trưng là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô của đô thị, nhưng tập trung vào việc giải quyết các vấn đề lớn của đô thị bao gồm: Giao thông, môi trường, năng lượng, xử lý rác thải, bảo đảm an ninh, trật tự đô thị… Vì thế, để đạt được những nội dung này một cách bài bản thì các yếu tố thông minh phải được xác định, tính toán và đưa vào ngay từ khi quy hoạch đô thị, thành phố. Hiện nay, phần lớn các đề án, kế hoạch phát triển ĐTTM của các địa phương còn thiếu nội dung quy hoạch thông minh.

Đặc biệt, theo ông Dũng, mỗi đô thị khác nhau sẽ phát triển ĐTTM theo những tiêu chí, lĩnh vực khác nhau, tùy thuộc vào quy mô, tính chất đô thị, điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội, mức độ đầu tư mong muốn và các vấn đề đô thị phải đối mặt. Kinh nghiệm thực tế cho thấy không có 2 ĐTTM giống hệt nhau và không có một mô hình mẫu hoàn hảo để có thể áp dụng chung cho các đô thị, thành phố. Do vậy, chính quyền địa phương, đô thị phải tự xác định các vấn đề bức thiết cần giải quyết của đô thị, từ đó tìm kiếm các giải pháp công nghệ phù hợp và áp dụng một cách thông minh, hiệu quả vào đô thị. “Mức độ thông minh hoàn toàn không dựa vào sản phẩm, giải pháp sẵn có của các doanh nghiệp trên thị trường mà phụ thuộc vào tư duy đổi mới, tầm nhìn dài hạn và quyết tâm của người đứng đầu địa phương, đô thị” - ông Dũng chia sẻ.

Lưu ý thêm, ông Trần Ngọc Linh nhấn mạnh, các địa phương phải bảo đảm việc phát triển ĐTTM gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số trên địa bàn, không tách rời, không trùng lặp, tất cả đều hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm. Đồng thời, địa phương cần coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế - xã hội khác. Một hạ tầng thông tin mạnh, thống nhất và an toàn là nền tảng để xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong không gian đô thị./.

Cùng chuyên mục
Phát triển đô thị thông minh cần tầm nhìn dài hạn