Nhiều thế mạnh chưa được phát huy hiệu quả
Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 12km theo đường bộ, nằm tiếp giáp với huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên), làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) được xem là một trong những tuyến du lịch làng nghề thu hút đông đảo du khách của Thủ đô. Bên cạnh làng nghề giúp du khách có cơ hội trải nghiệm nghề nghiệp, xã Bát Tràng hiện có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc độc đáo, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) công nhận là "di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, tạo điểm nhấn đặc biệt đối với du khách khi tới đây khám phá.
Bên cạnh những điểm thu hút nổi bật, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp lữ hành, điểm yếu của du lịch Bát Tràng là các điểm đến nằm khá rải rác, thiếu sự kết nối thành tour, tuyến và khó níu chân du khách lưu trú dài ngày. Đây cũng chính là những hạn chế chung mà nhiều điểm, tuyến du lịch nông thôn đang gặp phải.
Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam Phạm Hải Quỳnh cho rằng, điểm hạn chế của du lịch nông thôn hiện nay là thiếu sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, ít cơ sở lưu trú chất lượng để lưu giữ khách ở lại lâu hơn. Ngoài ra, do thiếu quy hoạch, nên du lịch nông thôn phát triển tự phát, chủ yếu là các hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ nên chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế vùng cũng như điều kiện cần thiết để phát triển du lịch, đó là sự đa dạng về dịch vụ, sự kết nối giữa các điểm đến.
Tại các diễn đàn về phát triển nông thôn diễn ra gần đây, nhấn mạnh vai trò quan trọng của du lịch nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, trong bối cảnh lạm phát tăng, nhất là sau tác động của đại dịch Covid-19, đây chính là cơ hội để du lịch nông thôn, vốn an toàn, thân thiện và giá cả phù hợp sẽ tạo được sức hút với du khách. “Du lịch nông nghiệp, nông thôn đang có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình du lịch nông thôn đã hình thành, phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách” - Bộ trưởng đánh giá; đồng thời khẳng định ngành nông nghiệp đang nỗ lực để chuyển đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, trọng tâm là đưa du lịch nông nghiệp, nông thôn trở thành một ngành kinh tế, đem lại sinh kế cho người nông dân cũng như góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Đây cũng chính là định hướng được đặt ra trong Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Là một trong những cơ quan được giao chủ trì thực hiện Chương trình, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đoàn Văn Việt cho biết, du lịch là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua chuyển đổi sinh kế, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân; thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
“Du lịch nông thôn không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội mà còn bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, môi trường, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng giữa người dân nông thôn và đô thị” - ông Việt cho biết.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ VH,TT&DL cũng thừa nhận du lịch nông thôn còn khoảng cách xa với khu vực đô thị về chất lượng dịch vụ, khả năng tiếp cận. Do đó, du lịch nông nghiệp, nông thôn rất cần quan tâm hỗ trợ của Nhà nước bằng các cơ chế, chính sách như đầu tư đồng bộ về hạ tầng, ưu đãi tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số…, cũng như cần sự đầu tư đa dạng từ các nguồn lực xã hội khác.
Phát huy thế mạnh vùng, miền, lấy người dân làm trung tâm trong phát triển du lịch
Nói về định hướng phát triển du lịch nông thôn, lãnh đạo Tổng cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL) cho rằng, sau đại dịch Covid-19 với xu hướng du lịch có sự thay đổi mạnh mẽ, đề cao tính an toàn và tiết kiệm chi phí, du lịch nông thôn cần phải thay đổi để nắm bắt tốt cơ hội và níu chân du khách.
Theo đó, du lịch nông thôn cần quan tâm tới các định hướng như ưu tiên đầu tư phát triển các điểm du lịch nông thôn đồng bộ và hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch kết nối được với các tuyến điểm du lịch trên địa bàn, trong vùng; phát triển hệ thống sản phẩm du lịch nông thôn có chất lượng, sáng tạo, khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái dựa trên lợi thế của từng địa phương.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, đại diện một doanh nghiệp lữ hành có trụ sở tại Hà Nội cho biết, du lịch nông thôn đang là xu hướng và có sức hút nhất định với du khách, nhất là sau đại dịch Covid-19, người dân có nhu cầu tận hưởng không gian trong lành, an toàn. Tuy nhiên, để phát triển du lịch nông thôn một cách bền vững, các bên cần chú trọng xây dựng điểm đến gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có giá trị gia tăng cao; lấy chất lượng làm chính. Trong đó, cần chú ý bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm đặc sản, truyền thống… để phục vụ du khách thông qua các trải nghiệm thực tế.
Lưu ý một trong những điểm yếu lớn nhất trong phát triển du lịch nông thôn, đó là thiếu quy hoạch, hoặc quy hoạch chậm được triển khai, dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho rằng, các địa phương cần sớm có quy hoạch cho du lịch nông thôn, cũng như các chính sách cụ thể hỗ trợ phát triển lĩnh vực này; các bộ, ngành cần xác định phát triển du lịch nông thôn là chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể để có nhận thức và hành động phù hợp theo đúng yêu cầu của Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, cần đặc biệt lưu tâm đến việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực du lịch nông thôn. Thực hiện tốt công tác đánh giá, xác định nhu cầu và dự báo nguồn nhân lực du lịch nông thôn; phát triển lực lượng lao động tại chỗ là người nông dân, chủ thể của hoạt động du lịch nông thôn. “Khi mỗi người dân, chủ thể của điểm đến đồng thời tham gia làm du lịch sẽ giúp gắn kết, tạo động lực đổi mới, vì người dân tìm thấy lợi ích trong hoạt động này. Điều này quan trọng là cần định hướng và đào tạo tốt để người dân tự đứng ra tổ chức quản lý, với sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức nghề nghiệp” – ông Phúc đánh giá.
Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ ban hành tháng 8/2022, trong đó nêu rõ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ VH,TT&DL đồng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện. Mục tiêu là đến năm 2025 mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế của địa phương; ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý du lịch../.