Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế

(BKTO) - Chiều 02/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019.





Ngay trước phiên toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã cắt băng khai mạc Triển lãm Thành tựu kinh tế tư nhân. Triển lãm thu hút 30 gian hàng tập trung vào nhiều lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế như tài chính, ngân hàng, sản xuất công nghiệp, tiêu dùng, y dược, công nghệ, vận tải...
                
   

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm

   

Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì với chủ đề “Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ”.

Theo Ban Kinh tế Trung ương, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam, nhất là sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 10-NQ/TW đã có bước phát triển mới cả về số lượng, chất lượng và có những đóng góp ngày càng tăng đối với sự phát triển của nền kinh tế và xã hội. Theo đó, số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng mạnh từ 655.000 năm 2017 lên 730.000 năm 2018 và đạt hơn 743.000 doanh nghiệp vào cuối quý I/2019. Quy mô của nhiều doanh nghiệp ngày càng mở rộng, một số doanh nghiệp đạt tổng tài sản đến hàng trăm ngàn tỉ đồng và sử dụng hàng chục ngàn lao động. Khu vực kinh tế tư nhân hiện chiếm khoảng 40%GDP cả nước.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tư nhân có khả năng trụ vững và phát triển hiệu quả còn thấp. Phần lớn (97%) doanh nghiệp tư nhân là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với khoảng 70% doanh nghiệp đăng ký có quy mô dưới 10 lao động và vốn đăng ký dưới 5 tỷ đồng. Cùng với đó là vốn ít, công nghệ sản xuất lạc hậu, trình độ quản lý yếu kém, hiệu quả và sức cạnh tranh yếu, ít đầu tư vào lĩnh vực sản xuất…
                
   

Quang cảnh Diễn đàn

   

Phát biểu tại phiên toàn thể, Thủ tướng đánh giá, khu vực kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế. Những năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự lớn mạnh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, những kết quả này vẫn còn thấp so với tiềm năng.

Tại đây, Thủ tướng đã đặt ra 2 nhóm vấn đề. Thứ nhất, làm thế nào để các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đa phần có quy mô còn nhỏ, có thể vươn ra cạnh tranh quốc tế, có thương hiệu toàn cầu? Làm thế nào để hàng triệu hộ kinh doanh cá thể có thể mở rộng quy mô, chuyển sang mô hình doanh nghiệp nhằm phát huy lợi thế, tạo nhiều của cải hơn cho bản thân mình và cho cả xã hội? Theo Thủ tướng, đây là những vấn đề khó nhưng nếu có khát vọng, có sự đồng lòng và có quyết tâm cao, chúng ta sẽ thành công. Khát vọng vươn ra biển lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa huy động nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra nhiều của cải cho xã hội.

Thứ hai, làm sao có được đột phá thực sự ở các điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh? Chúng ta đều biết thể chế pháp luật, môi trường kinh doanh của Việt Nam tuy đã có nhiều cải tiến, tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều rào cản, vướng mắc, đôi khi thể chế chính sách còn chưa theo kịp, chưa thực sự kiến tạo cho các mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp hữu cơ… Vậy đâu thực sự là điểm nghẽn, giải pháp đột phá sắp tới là gì? Nhà nước, doanh nghiệp cần làm gì, với lộ trình ra sao? - Thủ tướng nêu câu hỏi.
                
   

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn

   
Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi các cấp, các ngành tiếp tục tạo dựng và củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp với chính quyền thông qua một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và công bằng, tiếp tục vun đắp tinh thần doanh nghiệp của doanh nhân Việt Nam.

“Một khu vực tư nhân lớn mạnh, bền vững, bên cạnh khu vực doanh nghiệp Nhà nước hiệu quả hơn, khu vực kinh tế hợp tác xã năng động hơn sẽ tạo ra một tương lai thịnh vượng, bền vững hơn cho nền kinh tế Việt Nam” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục tạo điều kiện, kiến tạo không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn, với các từ khóa: “tạo bình đẳng” trong phát triển, được “bảo vệ”, “khích lệ” và “trao cơ hội”. Cụ thể, kinh tế tư nhân được bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong cạnh tranh, trong phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác, nhất là tiếp cận nguồn lực; được bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo Hiến pháp, pháp luật, giảm sự chồng chéo, tầng lớp trong thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tạo môi trường thông thoáng cho kinh tế tư nhân; được Nhà nước và xã hội tôn vinh, nhất là các doanh nghiệp làm ăn chân chính, có trách nhiệm xã hội; tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực, công nghệ, thị trường, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm…
         
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam là sự kiện cấp cao có quy mô quốc gia, quốc tế lớn nhất trong năm 2019 về những vấn đề then chốt, giải pháp phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân. Diễn đàn đã thu hút khoảng 2.500 doanh nhân tư nhân tham dự phiên toàn thể và các hội thảo chuyên đề, đối thoại với Chính phủ, các địa phương theo tinh thần công - tư để góp phần tháo gỡ các rào cản, nút thắt, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Cụ thể, Diễn đàn gồm phiên toàn thể và 7 phiên hội thảo chuyên đề (gồm 6 chuyên đề về Du lịch, Kinh tế số, CPTPP - Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Vốn - Tài chính, Nông nghiệp, Khởi nghiệp và Chuyên đề đặc biệt dành cho cộng đồng Doanh nhân nữ).
QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
  • Thương mại trên nền tảng số: Cần phải biến tiềm năng  thành hiện thực!
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thương mại điện tử Việt Nam mặc dù đã bắt nhịp xu hướng mới của thế giới nhưng hạ tầng cho kinh tế số, thanh toán điện tử, an ninh mạng, nhân lực, khuôn khổ pháp lý vẫn còn nhiều hạn chế. DN Việt Nam, kể cả DN đang hướng đến thương mại điện tử vẫn rất khó khăn khi tiếp cận công nghệ hiện đại. Do đó, để tiếp cận và đẩy mạnh thương mại trên nền tảng số, Việt Nam rất cần khuôn khổ pháp lý và khung kỹ thuật để thực hiện cách mạng dữ liệu.
  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Hội nhập quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
  • Thủ tướng tham dự Diễn đàn 'Vành đai và Con đường' tại Trung Quốc
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường” lần thứ hai tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
  • Làm thế nào để minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán?
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chất lượng thông tin của các công ty niêm yết là mối quan tâm lớn của nhiều chủ thể trên thị trường chứng khoán (TTCK), đặc biệt là các nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều vụ việc sai phạm liên quan đến thông tin và công bố thông tin (CBTT) của các công ty niêm yết đã làm ảnh hưởng lớn đến niềm tin của các nhà đầu tư cũng như tính ổn định của thị trường này.
  • Mục tiêu tăng trưởng 2019  hoàn toàn khả thi
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Từ những kết quả nghiên cứu và dựa trên kết quả tăng trưởng đạt 6,79% của quý I/2019, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,6 - 6,8% của năm 2019 do Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi.
Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế