Phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là cốt lõi để tăng năng suất lao động

(BKTO) - “Con người là trung tâm chủ thể của tăng năng suất lao động, con người vừa là nguồn lực, vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển tăng năng suất lao động. Chúng ta không hi sinh công bằng, tiến bộ xã hội, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần” - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

1a.jpg
Thủ tướng phát biểu tổng kết Diễn đàn và truyền thông điệp đến cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động cả nước . Ảnh: VGP

Sáng 26/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia 2024” do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức.

Tham dự Diễn đàn có các đồng chí: Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Phạm Tất Thắng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Trần Sỹ Thanh - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.

Cùng dự Diễn đàn còn có đại diện các Ban Xây dựng Đảng Trung ương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ủy ban của Quốc hội; Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo nghề; và 450 cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân lao động tiêu biểu từ các đơn vị, ngành, địa phương trong cả nước.

dsc_0367.jpg
Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Ly

Phát biểu đề dẫn, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, Trong những năm qua, Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động, giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết liên quan tới việc làm, thu nhập, đời sống, an ninh, an toàn của công nhân lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, các chiến lược, chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xây dựng và triển khai Chương trình "Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước giai đoạn năm 2019-2023" đạt được nhiều kết quả tích cực.

2.jpg
Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp chặt chẽ, triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động, giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề về việc làm, thu nhập, đời sống, an ninh, an toàn của công nhân lao động. Ảnh Nguyễn Ly

Đứng trước yêu cầu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2021-2026 mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặt ra, tiếp tục khẳng định vai trò đồng hành của Công đoàn với Chính phủ, nhân dịp Tháng Công nhân năm 2024 và hướng tới kỷ niệm 95 năm Thành lập Công đoàn Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024” để trao đổi, đánh giá về thực trạng năng suất lao động Việt Nam; xác định nguyên nhân, điểm nghẽn từ đó đề xuất, kiến nghị, hiến kế với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tiếp tục thúc đẩy nâng cao năng suất lao động từ giác độ, góc nhìn của người lao động.

6 điểm chung về tăng năng suất lao động, đó là: Yêu nghề, yêu lao động; luôn luôn học hỏi đề cao kiến thức và tay nghề; tuân thủ kỷ luật về vệ sinh an toàn lao động, xây dựng môi trường lao động lành mạnh; luôn luôn đổi mới sáng tạo; được đãi ngộ thỏa đáng về tinh thần, vật chất, nhất là tiền lương, phúc lợi xã hội, khen thưởng, tôn vinh người lao động; Chính phủ, Công đòan và các chủ thể liên quan xây dựng hệ sinh thái lao động tốt.Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã trình bày tham luận với chủ đề “Hoàn thiện cơ chế, chính sách, nhất là chính sách phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần quan trọng nâng cao năng suất lao động quốc gia”; TS. Phạm Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn trình bày tham luận với chủ đề “Chế độ lương, thưởng, phúc lợi thỏa đáng là động lực quan trọng thúc đẩy nâng cao năng suất lao động”.

Diễn đàn cũng nghe ý kiến, đề xuất của các anh, chị công nhân, đại diện công đoàn các tập đoàn, doanh nghiệp về việc chủ động, thường xuyên học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động, từng bước đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; rèn luyện tác phong công nghiệp, nâng cao ý thức, kỷ luật lao động để có năng suất lao động; môi trường lao động an toàn, dân chủ, văn hóa doanh nghiệp phát triển, góp phần tăng năng suất lao động; mỗi người lao động phải không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để có năng suất lao động cao…  

dsc_0353.jpg
Các cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân lao động tiêu biểu từ các đơn vị, ngành, địa phương trong cả nước tham dự Diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Ly

Lắng nghe, chia sẻ và đánh giá cao các ý kiến tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Năng suất lao động là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp, là thước đo quan trọng mức độ phát triển của một quốc gia. Xác định tầm quan trọng của năng suất lao động, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến năng suất lao động và chú trọng các giải pháp tăng năng suất lao động. Tăng năng suất lao động là một trong những chỉ tiêu chủ yếu được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng.

 Đại hôi XII đề ra chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5%/năm, Đại hội XIII đề ra chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm giai đoạn 2021 - 2025.

Để tăng năng suất lao động, từ Đại hội XI đến nay, Đảng ta đã xác định rõ phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 3 đột phá chiến lược cùng với thể chế và phát triển hạ tầng chiến lược. Đặc biệt Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là những yếu tố cốt lõi để tăng năng suất lao động nhanh và bền vững.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Tình hình thế giới, khu vực, trong nước sẽ còn tiếp diễn khó khăn trước những “cơn gió ngược” của suy thoái kinh tế, thách thức của cách mạnh công nghiệp 4.0, khoa học công nghệ thay đổi hằng ngày thì nâng cao năng suất lao động trở thành vấn đề rất quan trọng với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thời gian tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam, đoàn viên, người lao động, bộ, ngành, đơn vị liên quan phải thực hiện “3 đẩy mạnh, “3 tiên phong”, “3 bứt phá”.

Theo đó, “3 đẩy mạnh” bao gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển cả từ bên trong và bên ngoài, nhất là hợp tác công tư, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, có chọn lọc; đẩy mạnh thực hiện đột phát chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng tăng năng suất lao động.

“3 tiên phong” bao gồm: Tiên phong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành lĩnh vực mới nổi tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; tiên phong trong hội nhập quốc tế, tận dụng tối đa các cơ hội, tạo lợi thế cạnh tranh; tiên phong trong các phong trào thi đua tăng năng suất lao động.

“3 bứt phá” bao gồm: Bứt phá về đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, dạy nghề, kỹ năng nghề; bứt phá về khoa học đổi mới sáng tạo, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mới nổi có giá trị gia tăng, trí tuệ nhân tạo…; bứt phá về môi trường lao động, xanh sạch đảm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động trong bất kỳ trường hợp nào.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, tổ chức công đoàn thực hiện đồng bộ các giải pháp: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, xem đây là nền tảng tăng năng suất lao động; Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Tập trung nâng cao công tác giáo dục đào tạo, giáo dục và dạy nghề ở các cấp học, bậc học, ngành và đảm bảo đảm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng với cơ cấu hợp lý.

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu lao động từ phi chính thức sang chính thức, từ lĩnh vực nông nghiệp năng suất thấp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ có năng suất cao. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, công nghiệp hóa nông nghiệp và dịch vụ hóa nông nghiệp. Chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động về quyền lợi, đãi ngộ về tiền lương, các chính sách nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, đặc biệt là nhà ở.

Tổ chức Công đoàn phát huy vai trò là cầu nối thực hiện đối thoại về chính sách, chia sẻ kinh nghiệm tăng năng suất lao động, trong đó có việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người lao động, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc; Đổi mới công tác khen thưởng, thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến nâng cao năng suất lao động, tôn vinh người lao động.

Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp phải phát huy hơn nữa vai trò chủ thể chính tạo ra của cải vật chất cho xã hội; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, công nghệ xanh, tăng năng suất lao động chứ không phải tăng thời gian lao động.

3d.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm và tặng quà cho 95 đoàn viên, người lao động tiêu biểu, xuất sắc có năng suất lao động cao. Ảnh: Nguyễn Ly

Đối với công nhân, người lao động, Thủ tướng cũng đề nghị người lao động tham gia trực tiếp sản xuất cả về tinh thần và vật chất; không ngừng trau dồi, tự học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề, kinh nghiệm, khả năng thích ứng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng động sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc; đổi mới tác phong, ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật lao động, tạo môi trường lao động lành mạnh, có hiệu quả.

“Nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ quan trọng, mang tính chiến lược, lâu dài của cả hệ thống chính trị, là con đường ngắn nhất đưa nước ta bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong phát triển xây dựng đất nước nhanh, bền vững. Chúng ta mong muốn và tin tưởng rằng, với tinh thần Tổng LĐLĐ Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước, tổ chức Công đoàn Việt Nam, toàn thể đoàn viên, người lao động cả nước chung tay, chung sức đồng lòng cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao. Năm 2045 trở thành nước phát triển công nghiệp cao như mục tiêu chúng ta đề ra”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tặng quà cho 95 đoàn viên, người lao động tiêu biểu có năng suất lao động cao.

Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2011 đến nay, năng suất lao động tăng 2,7 lần, từ 70 triệu đồng/lao động (2011) lên 188,7 triệu đồng/lao động (2023). Đây là mức cao so với khu vực và đang thu hẹp dần khoảng cách với các nước. Theo Ngân hàng Thế giới, tính theo sức mua tương đương GDP, giai đoạn 2021 - 2022, năng suất lao động của Việt Nam tăng bình quân 4%/năm, cao hơn nhiều bình quân chung của cả thế giới từ 2% và đứng thứ 2 Đông Nam Á. Năng suất lao động bình quân của Singapore, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Thai Lan, Philippines lần lượt là 5,8%, 3,7%, 3,3%, 2,2%, 1,9% và 1,2%. Như vậy, nước ta chỉ đứng sau Singapore.

Cùng chuyên mục
Phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là cốt lõi để tăng năng suất lao động