Phát triển văn hóa - ngành công nghiệp triệu đô, bắt đầu từ cơ chế

(BKTO) - Theo các chuyên gia, đóng góp của ngành văn hóa đối với nền kinh tế Việt Nam càng ngày càng trở nên quan trọng. Do vậy, việc khơi dậy tiềm năng, phát huy giá trị kinh tế của văn hóa phải được bắt đầu từ cơ chế...

dsc_1288.jpg
Phát triển CNVH là giải pháp rất quan trọng để phát huy giá trị của văn hóa, tạo "động lực mềm" cho phát triển đất nước. Ảnh TL

Giá trị kinh tế to lớn từ văn hóa

Dẫn câu chuyện về nhóm nhạc BlackPink sang Việt Nam biểu diễn hồi tháng 7, đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) cho hay chỉ trong 2 đêm, doanh thu lên tới 13 triệu USD.

Để thấy sự tương quan, vị đại biểu nhắc đến Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam được phê duyệt năm 2016, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tổng giá trị doanh thu nghệ thuật biểu diễn đạt 20 triệu USD, đến năm 2030 đạt 31 triệu USD.

"Như vậy, 2 đêm diễn của BlackPink đã bằng non nửa con số chúng ta phấn đấu đến năm 2030. Điều này rất đáng suy nghĩ" - ông Nghĩa nói.

Từ những con số nêu trên, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhận định dư địa phát triển nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam là rất lớn. 

Đây là minh chứng điển hình cho việc văn hóa đang vượt ra ngoài suy nghĩ về một lĩnh vực chỉ biết tiêu tiền: Văn hóa cũng mang lại giá trị kinh tế to lớn! Đối với Việt Nam, đóng góp của ngành văn hóa đối với nền kinh tế cùng ngày càng trở nên quan trọng.

20230729_193437_1.jpg
Sự kiện nhóm nhạc BlackPink biểu diễn tại Hà Nội đã tác động lớn đến ngành du lịch Thủ đô. Ảnh: TTXVN

GS. Từ Thị Loan (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) đánh giá: “Văn hóa từ một lĩnh vực vốn được coi là vũ khí tư tưởng, công cụ giáo dục con người, một ngành “chỉ biết tiêu tiền”, sống dựa vào bao cấp của các ngành khác đã trở thành một ngành “làm ra tiền”, có tiềm năng, giá trị kinh tế và có đóng góp thiết thực vào GDP của đất nước”.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành CNVH và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”.

Trước đó, Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 khẳng định “Các ngành CNVH là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân”.

Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, với những đề án, kế hoạch, nguồn lực ưu tiên dành cho văn hóa là những tín hiệu tích cực cho phát triển văn hóa. Bên cạnh đó, các thành phần xã hội cũng thể hiện sự năng động đối với lĩnh vực văn hóa, từ đó từng bước biến văn hóa trở thành nguồn lực đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Theo PGS,TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Việt Nam là một trong số ít nước có nhiều luật về văn hóa và đặc biệt là rất cập nhật các văn bản này. Ví dụ Luật Di sản văn hóa năm 2001 được xem là một trong những luật cập nhật, thậm chí là tiên phong trong lĩnh vực văn hóa, với những tư tưởng, quan điểm mới về di sản văn hóa phi vật thể. Luật Điện ảnh cũng đã cập nhật xu thế phát triển CNVH...

Hoàn thiện quy định pháp luật để thúc đẩy kinh tế văn hóa phát triển

Trong bối cảnh mới, việc cởi trói cho văn hóa phát triển là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu hiện nay. Trong đó, việc tháo gỡ khó khăn cho văn hóa phải được bắt đầu từ thể chế, chính sách và tư duy nhận thức về văn hóa... 

Theo PGS,TS. Bùi Hoài Sơn, điều này xuất phát từ việc, tuy đã có nhiều cố gắng để hoàn thiện, song hệ thống văn bản pháp luật còn chưa đầy đủ, đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn. Một số lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chưa có luật để quản lý. Các lĩnh vực như nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm vẫn phải quản lý bằng Nghị định, trong khi đây là những ngành CNVH quan trọng.

       

261220220304-z3989704620699_53de1706c1ffbcd2ade61673c9775f3d.jpg

Để giải phóng sức sáng tạo của nghệ sỹ, thúc đẩy lực lượng sản xuất văn hóa, khuyến khích sự đa dạng các biểu đạt văn hóa, cần chuyển đổi cơ chế quản lý từ cấp phép, “xin-cho” sang cơ chế thông thoáng, cởi mở hơn, cái gì pháp luật không cấm thì công dân, nghệ sỹ, người sáng tạo được phép làm; chuyển từ cơ chế “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.

GS. Từ Thị Loan

Bên cạnh đó, nhiều điểm nghẽn trong phát triển văn hóa đến từ Luật Thuế, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư cần được tháo gỡ... “Vừa qua, những vấn đề của Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia, Hãng Phim truyện Việt Nam hay của rất nhiều các đơn vị văn hóa, nghệ thuật khác là do thiếu quy định từ các luật này” - PGS,TS. Bùi Hoài Sơn dẫn chứng.

Từ đó, ông cho rằng, để tháo gỡ điểm nghẽn cho văn hóa, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản dưới luật, đổi mới cơ chế, chính sách ngày càng phù hợp hơn để phát triển các ngành CNVH...

Đồng quan điểm, TS. Trần Thị Thủy (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, Nhà nước cần xây dựng hệ thống pháp luật, quy định và quy chế hướng tới mục tiêu điều tiết, tạo môi trường thuận lợi và hành lang pháp lý an toàn cho sự hoạt động của các chủ thể khác trong thị trường. “Vai trò của quản lý nhà nước trong thị trường văn hóa cần được xây dựng theo hướng cởi mở, xác lập nền tảng pháp lý cho sự phát triển đa dạng của sản phẩm văn hóa” - TS. Thủy lưu ý.

dsc_1309.jpg
Ngành CNVH đang đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Ảnh: N.Lộc

Chú trọng phát triển CNVH, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, song các chuyên gia cũng lưu ý, Việt Nam hiện đang có vướng mắc khi ứng xử với văn hóa, như: Nhấn mạnh quá mức đến tính chất tinh thần của văn hóa hoặc đề cao thái quá việc thu lợi nhuận, dẫn đến nhiều sản phẩm văn hóa, nghệ thuật chiều theo thị hiếu tầm thường, ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức xã hội.

“Cả hai khuynh hướng này cần được nhìn nhận thấu đáo để có sự điều chỉnh phù hợp, từ đó phát huy giá trị của văn hóa trên cả khía cạnh kinh tế lẫn tinh thần” - ông Sơn lưu ý./.

Cùng chuyên mục
Phát triển văn hóa - ngành công nghiệp triệu đô, bắt đầu từ cơ chế