Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh. Về phía KTNN có Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc; các đồng chí Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước và thủ trưởng một số đơn vị trực thuộc KTNN.
Báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tại buổi làm việc, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua tổ chức bộ máy của KTNN đã từng bước được kiện toàn và hoạt động ổn định; công tác xây dựng pháp luật được xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015-2017 nhằm triển khai Hiến pháp và Luật KTNN (sửa đổi) với khoảng 30 văn bản dự kiến ban hành (đã ban hành 3 văn bản quy phạm pháp luật, 11 văn bản quản lý; các đơn vị chủ trì đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện đối với 16 văn bản). Đặc biệt, hệ thống 39 chuẩn mực KTNN theo chuẩn quốc tế đã chính thức được ban hành và áp dụng vào thực tế hoạt động kiểm toán từ ngày 15/7/2016.
Phó Chủ tịch quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với KTNN.Ảnh: THANH TÙNG
Tính đến ngày 15/8, KTNN đã triển khai 161/223 đoàn kiểm toán, kết thúc 115 đoàn kiểm toán; xét duyệt 79 dự thảo Báo cáo kiểm toán (BCKT); phát hành 38 BCKT thuộc KHKT năm 2016; cung cấp 7 bộ hồ sơ, tài liệu kiểm toán cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng. Tổng hợp sơ bộ kết quả từ các BCKT đã phát hành và trình xét duyệt cho thấy: Tổng số kiến nghị xử lý tài chính là 7.240 tỷ đồng. Nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính, tài sản công của các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán đã được phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong công tác của KTNN. Đó là, việc đổi mới nội dung, phương pháp kiểm toán, quy mô và chất lượng kiểm toán chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Bộ máy tổ chức chưa hoàn thiện, đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên còn thiếu về số lượng và chất lượng không đồng đều...
Nhấn mạnh nhiệm vụ công tác trong thời gian tới, trên cơ sở xác định rõ mục tiêu của KTNN trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, hoạt động của KTNN sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm là: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ và toàn diện cho tổ chức và hoạt động của KTNN; bổ sung, hoàn thiện và thực hiện các quy trình, phương pháp kiểm toán phù hợp với hệ thống Chuẩn mực kiểm toán đã ban hành, gắn với cải cách hành chính trong hoạt động kiểm toán. Mở rộng quy mô và đối tượng kiểm toán theo Luật KTNN 2015; tăng cường kiểm toán hoạt động, đi sâu vào kiểm toán các chuyên đề quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công. Quyết liệt đổi mới nội dung, phương pháp kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, rút ngắn thời gian kiểm toán. Tăng cường năng lực của cơ quan KTNN trên cơ sở củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng; siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế, nâng cao vai trò thành viên Ban Điều hành ASOSAI 2015-2018, Chủ tịch ASOSAI 2018-2021 và tổ chức thành công Đại hội ASOSAI năm 2018 tại Việt Nam. Bên cạnh đó, KTNN sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất và đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của KTNN.
Đặc biệt, KTNN sẽ trình Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt Đề án tổ chức và biên chế của KTNN đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 tạo nền tảng thực hiện cho các năm tiếp theo; hoàn thiện Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức của KTNN, Đề án tinh giản biên chế đến năm 2020; tổ chức thực hiện Nghị quyết của Ban cán sự Đảng KTNN về luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức đảm bảo công khai, minh bạch...
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đánh giá cao hoạt động kiểm toán của KTNN trong thời gian qua. Các đại biểu cũng đã góp ý, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa vai trò và hiệu quả hoạt động của KTNN cũng như tăng cường sự phối hợp công tác giữa KTNN với các cơ quan của Quốc hội.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã ghi nhận những kết quả mà KTNN đã đạt được đồng thời có những chỉ đạo, định hướng để KTNN thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ, chức năng của mình trong thời gian tới (Báo Kiểm toán trích đăng bài phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội tại trang 3).
NGUYỄN HỒNG- THANH TÙNG