Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm

(BKTO) - Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, cả nhiệm kỳ trước và nhiệm kỳ này, việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm.

Chiều 06/11, cuối phiên chất vấn đối với các lĩnh vực: kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã phát biểu làm rõ một số vấn đề liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, bố trí nguồn lực cho giáo dục, văn hóa, cổ phần hóa DNNN.

khai.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn tại phiên họp. Ảnh: chinhphu.vn

Liên quan đến vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn DNNN, Phó Thủ tướng thông tin: “Giai đoạn trước, chúng ta chỉ thực hiện được 30% và 10 tháng trong năm 2023, chúng ta cũng thực hiện được kết quả rất khiêm tốn”.

Theo Phó Thủ tướng, điều này xuất phát từ một số nguyên nhân. Trước hết là sự bất ổn thị trường tài chính trong nước, đặc biệt là tác động của đại dịch làm cho công tác cổ phần hóa cũng như nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư bị hạn chế.

Đặc biệt, đặc thù của các DN cổ phần hóa hiện nay là những DN rất khó khăn và những DN lớn. Thời gian vừa qua, có những tổng công ty khi cổ phần hóa thì sự tham gia của xã hội không nhiều. Có những DN, xã hội hóa chỉ được 1%, ví dụ Genco 1, Genco 2, Genco 3…

Mặt khác, các DN vừa và nhỏ hiện nay cũng tham gia cung ứng dịch vụ công ích, do đó, cổ phần hóa rất khó khăn. Đặc biệt là các trình tự, thủ tục pháp luật liên quan rất phức tạp nên cổ phần hóa chậm.

“Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo và tiếp tục thực hiện chỉ đạo những giải pháp. Vừa rồi, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc, chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới. Đồng thời, tiếp tục rà soát và tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu liên quan tới cổ phần hóa, đặc biệt là các đại diện chủ sở hữu các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho hay.

061120230258-bo-truong-bo-tai-chinh-ho-duc-phoc-3-.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. Ảnh: VPQH

Trước đó, trả lời vấn đề chậm thoái vốn DNNN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết, việc tiến hành cổ phần hóa chậm do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân cơ bản là DN muốn mua vốn của DN cổ phần hóa thường nhìn vào giá trị các khu đất “vàng”; nhưng hiện nay, Nghị quyết 60/2018/QH14 của Quốc hội và nghị định của Chính phủ không cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thuê chuyển sang đất ở. Như vậy sẽ không còn địa tô chênh lệch địa tô nên không hấp dẫn doanh nghiệp.

Nguyên nhân khác, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, là do chính quyền địa phương không phê chuẩn phương án sử dụng đất; việc tính giá trị sử dụng đất vào trong giá trị doanh nghiệp hay các giá trị tài sản khác cần thẩm định giá… nên cũng tạo rủi ro. Mặt khác, các Bộ, ngành, doanh nghiệp chưa trình phương án cổ phần hóa nên dẫn đến chậm thực hiện.

Đẩy mạnh hoàn thiện mục tiêu cơ cấu lại các lĩnh vực trọng tâm

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề về tái cơ cấu nền kinh tế, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, độ mở lớn, sức chống chịu với những tác động từ bên ngoài có hạn, đặc biệt là sức cạnh tranh còn rất hạn chế.

061120230234-toan-canh-ptt-le-minh-khai.jpg
Toàn cảnh Phiên chất vấn. Ảnh: VPQH

Thực hiện chủ trương của Đảng về tái cơ cấu nền kinh tế, Quốc hội đã có Nghị quyết số 31/2021/QH15 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Căn cứ Nghị quyết này, Chính phủ đã có Nghị quyết số 54/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết số 31/2021/QH15 đã đưa ra 14 mục tiêu, 102 nhiệm vụ cụ thể. Tất cả các nhiệm vụ này, hiện nay, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai.

“Tuy nhiên, hiện sau 2 năm thực hiện một kế hoạch kéo dài 5 năm, cho nên các công việc chưa hoàn thành toàn bộ. Hiện 37 nhiệm vụ đã hoàn thành và đã có văn bản, 28 nhiệm vụ đang triển khai và hoàn thiện để có văn bản phê duyệt. Theo 23 chỉ tiêu chi tiết, thì có khoảng 10 chỉ tiêu có thể hoàn thành, một số chỉ tiêu cũng khó thực hiện trong thời gian tới, như: thúc đẩy cơ cấu chuyển dịch nền kinh tế theo hướng tăng cường khoa học công nghệ” - Phó Thủ tướng thông tin.

Theo Phó Thủ tướng, sau 2 năm thực hiện, nhiều chính sách đã phát huy tác dụng, tạo dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ sử dụng linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ cho tăng trưởng thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, các thị trường tiếp tục phát triển. Vừa qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã được khai trương. Đối với thị trường chứng khoán, hiện đang phấn đấu nâng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Lực lượng doanh nghiệp cũng tiếp tục được phát triển, từng bước đạt được nhiều mục tiêu khác về cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho biết, còn một số chỉ tiêu chưa đạt, cần phấn đấu nỗ lực hơn nữa như chỉ tiêu về tăng năng suất lao động, tỷ trọng chi cho khoa học, công nghệ… Cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng chưa thay đổi đáng kể.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để tháo gỡ những rào cản, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh hoàn thiện các mục tiêu cơ cấu lại trong các lĩnh vực trọng tâm; thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; phát huy vai trò dẫn dắt, đổi mới mô hình tăng trưởng các đô thị lớn, các cực tăng trưởng để thúc đẩy tăng năng suất lao động, thúc đẩy chuyển dịch các ngành theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh bền vững, phát triển các ngành mới, các dịch vụ chất lượng cao; phát triển đồng bộ các loại thị trường… - Phó Thủ tướng cho biết.

 Liên quan đến việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân vi phạm trong việc tiết kiệm, chống lãng phí, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Nội dung này, Quốc hội đã có giám sát và có Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022.

Sau khi Nghị quyết này ban hành, Chính phủ đã có chương trình hành động, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp. Hiện nay, việc kiểm điểm những hạn chế đã được các Bộ, ngành triển khai nhưng kết quả chưa như mong muốn.

Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm và xử lý những vi phạm liên quan đến trách nhiệm, để tiếp tục nâng cao vai trò và thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu quả.

Cùng chuyên mục
  • Phát triển điện mặt trời cần nhiều giải pháp đồng bộ
    một năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Để đặt được mục tiêu về phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, chúng ta cần nghiên cứu đầu tư lưới điện thông minh, hệ thống lưu trữ điện, phát triển thị trường điện cạnh tranh, điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện và ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA.
  • Bắt mạch thị trường tiền tệ từ diễn biến lãi suất liên ngân hàng
    một năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (TBTCO) - Lãi suất liên ngân hàng đã thoát vùng đáy và có một số thời điểm ngược dòng tăng cao, tuy nhiên sau đó cũng có những thời điểm lại bất ngờ giảm trở lại. Động thái này cho thấy có thời điểm trạng thái “thừa tiền” của hệ thống ngân hàng tạm thời được giải tỏa, nhưng dòng tiền trên thị trường tiền tệ còn chịu nhiều tác động chi phối và khó xác định xu hướng.
  • Hải Dương hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
    một năm trước Địa phương
    (BKTO) - Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương vừa hỗ trợ gần 12,4 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp nông, lâm nghiệp và phòng chống lụt bão cấp hằng năm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện Kế hoạch hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
  • Gỡ vướng để công trình thủy lợi đóng góp lớn hơn cho nền kinh tế
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Hiện mỗi năm, Nhà nước cấp bù thủy lợi phí khoảng 6.500 tỷ đồng do chưa thu phí người sử dụng nước (miễn thủy lợi phí). Trong khi đó, nhiều địa phương chưa ban hành phương án giá, gây khó khăn cho các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi…
  • Các vướng mắc về quy hoạch cơ bản đã được giải quyết
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Sau khi có Nghị quyết 61/2022/QH15 của Quốc hội, những vướng mắc của công tác quy hoạch cơ bản đã được giải quyết và hiện nay, tiến độ quy hoạch đang được đẩy nhanh hơn - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin tại phiên chất vấn sáng 06/11.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm