Hải Dương hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

(BKTO) - Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương vừa hỗ trợ gần 12,4 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp nông, lâm nghiệp và phòng chống lụt bão cấp hằng năm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện Kế hoạch hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

sx-carot.png
Hải Dương hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ảnh minh họa

Theo đó, 13 kế hoạch liên kết được hỗ trợ, trong đó, lĩnh vực trồng trọt có 11 kế hoạch với các sản phẩm: khoai tây, cà rốt, thanh long, na, ổi, lúa Q5, gạo nếp cái hoa vàng, chuối và vải thiều tại các huyện Thanh Miện, Bình Giang, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Nam Sách, thị xã Kinh Môn và TP. Chí Linh. Chăn nuôi có kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ lợn thịt tại phường Cộng Hòa (TP. Chí Linh). Thủy sản có kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ cá chép, cá trắm, cá rô phi tại xã Hà Kỳ (huyện Tứ Kỳ).

Việc hỗ trợ nhằm tạo thuận lợi cho nông dân và tiểu thương, doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Các hộ sản xuất và tiểu thương, doanh nghiệp sẽ ký kết hợp đồng theo hình thức cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Phần kinh phí nhà nước hỗ trợ sẽ được thực hiện vào công tác tập huấn, mua giống thức ăn, phân bón... Thời gian hỗ trợ từ năm 2023-2025.

Theo quy định, điều kiện để hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Sản phẩm được hỗ trợ phải có Giấy chứng nhận hoặc cam kết bảo đảm các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường.

Dự án liên kết hoặc kế hoạch đề nghị hỗ trợ liên kết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Những năm gần đây, các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo hướng liên kết, bảo đảm an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường xuất hiện ngày càng nhiều tại Hải Dương và các địa phương khác trong cả nước. Hầu hết mô hình đều mang lại hiệu quả kinh tế cao cho chủ thể sản xuất, góp phần thực hiện hiệu quả Ðề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật canh tác theo hướng an toàn, hữu cơ, công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với sản xuất truyền thống.

Thông qua liên kết, người dân được tiếp cận với các kiến thức, yêu cầu trong triển khai thực hiện hợp đồng liên kết, góp phần nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật; thay đổi phương thức tổ chức sản xuất (từ nhỏ lẻ, nông hộ sang liên kết phát triển sản xuất hàng hóa), thay đổi trình độ sản xuất (từ quảng canh sang thâm canh). Từ đó, thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế nông nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao thu nhập của người dân./.

Cùng chuyên mục
Hải Dương hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp