Để y tế cơ sở là “xương sống”

(BKTO) - Qua kết quả giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần có cơ chế chính sách đồng bộ, lâu dài để y tế cơ sở là nền tảng, y tế dự phòng là then chốt.

hieu.jpg
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Đổi mới cơ chế tài chính đối với y tế cơ sở

Y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa được đầu tư thỏa đáng, chưa tương xứng với quan điểm y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng, cơ chế tài chính trong hoạt động của y tế cơ sở chậm đổi mới; thiếu nguồn nhân lực… là đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội về thực trạng y tế cơ sở.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) chỉ rõ, thực tiễn công tác chống dịch vừa qua đã bộc lộ những vấn đề như hệ thống y tế cơ sở chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Khó khăn lớn nhất là về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.

Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng trực tiếp nhất là chất lượng dịch vụ và lòng tin của người dân; nguyên nhân gián tiếp là do cơ chế chính sách và đầu tư của Nhà nước. Cơ chế chính sách chưa thực sự tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát huy khả năng và tiềm năng, dẫn tới người dân tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe. Các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải và sự hài lòng của người dân khó được cải thiện.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) chỉ ra, năm 2022, cả nước có trên 80% trạm y tế xã thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 100% đơn vị cấp huyện có trung tâm y tế và 99,6% xã, phường, thị trấn có trạm y tế.

Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, điều kiện về thuốc, trang thiết bị y tế tại trạm y tế xã chưa bảo đảm để thực hiện nhiệm vụ được giao; tỷ lệ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã trên tổng số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở tất cả các cấp chuyên môn kỹ thuật trên toàn quốc giảm. Đây là điều rất đáng phải suy nghĩ để có giải pháp khắc phục.

Nhìn nhận vấn đề này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) cho rằng, dự phòng là mục tiêu quan trọng nhưng chữa bệnh cũng cần được coi là chìa khóa để y tế cơ sở có đủ sức tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, sự bất hợp lý về chính sách đã “bóp nghẹt” sự phát triển của trạm y tế xã, phường.

“Không có lý gì cùng một bệnh nền, nếu chữa ở xã thì được sử dụng thuốc hạ huyết áp giá 100 đồng, trong khi đó lên tỉnh, huyện thì viên thuốc đắt tiền hơn được sử dụng. Một đêm trực tiền thù lao không đáng là bao, khám một bệnh nhân chỉ được 27.000 đồng mà còn bị trừ ngược, trừ xuôi” - đại biểu chỉ ra thực tế.

Đưa ra giải pháp để hệ thống y tế cơ sở phát huy vai trò trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần quan tâm đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế theo hướng tăng chi cho y tế cơ sở, đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở, nhất là nhân lực làm việc tại các trạm y tế xã; thực hiện điều động, luân phiên hợp lý bác sĩ, cán bộ y tế để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các trạm y tế xã.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) đề xuất, cần thử nghiệm mô hình mới, coi trạm y tế xã, phường là phòng khám của trung tâm y tế huyện. Các bác sĩ trung tâm y tế huyện sẽ có buổi khám ngoại trú cố định ở các xã, phường, đặc biệt các bệnh mãn tính không lây nhiễm; đồng thời khám, tư vấn cho người bệnh đi chữa bệnh đúng địa chỉ, những vấn đề đơn giản có thể xử lý luôn ở trạm y tế xã, phường.

Ngoài ra, với từng địa phương cần có kế hoạch chi tiết tới từng trạm y tế để không “mặc đồng phục” cho tất cả trạm y tế trong cả hệ thống. “Một trạm trưởng giỏi về siêu âm cần đầu tư máy để người ta phát huy khả năng của mình; một y sĩ y học cổ truyền giỏi châm cứu cần có phương tiện chuyên biệt để họ triển khai; một trạm y tế vùng cao không thể trang bị như một trạm y tế mà cách bệnh viện huyện có vài kilomet” - đại biểu dẫn chứng.

Thay đổi cách tính nguồn kinh phí cho y tế dự phòng

Đề cập đến chính sách cho y tế dự phòng, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn Phú Thọ) đánh giá, hệ thống y tế dự phòng đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư hiện đại hệ thống y tế dự phòng còn rất khó khăn.

tuan.jpg
Đại biểu Trần Văn Tuấn phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Giai đoạn 2018-2022, tỷ lệ chi cho y tế dự phòng trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho y tế tuy tăng dần qua các năm nhưng vẫn chưa đạt 30% so với quy định (năm 2018 mới đạt 20,32% và năm 2022 đạt 28,62%).

Vì vậy, nếu không quan tâm đầu tư thỏa đáng cho y tế dự phòng thì không thể tập trung thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bệnh truyền nhiễm, kiểm soát các yếu tố nguy cơ, nâng cao sức khỏe cho người dân.

Đại biểu đề nghị cần tăng cường bảo đảm nguồn kinh phí cho y tế dự phòng đủ 30% ngân sách của ngành y tế theo tinh thần Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương.

Trong đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu ngân sách trung ương hỗ trợ cho y tế dự phòng của các địa phương, nhất là các địa phương còn khó khăn về thu ngân sách.

Trước mắt, đại biểu đề nghị cần phân bổ ngay gần 5.000 tỷ đồng và có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải ngân 14.000 tỷ đồng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng để đáp ứng nhiệm vụ đặt ra, đảm bảo tinh thần y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở nền tảng.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) đề nghị cần đánh giá việc thực hiện quy định phải dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng đến nay có còn phù hợp không?

Báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy, có địa phương chưa đạt tỷ lệ này nhưng cũng có địa phương thực hiện với tỷ lệ khá cao. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, tỷ lệ phần trăm cao hay thấp không phản ánh đúng, thực chất kết quả chi của mỗi địa phương, do cách tính mức chi ngân sách y tế dự phòng dựa trên tỷ lệ phần trăm tổng mức ngân sách y tế là chưa phù hợp với thực tế.

Theo cách tính này thì ngân sách y tế dự phòng cao hay thấp tùy thuộc vào ngân sách y tế, mà ngân sách y tế cao hay thấp lại tùy thuộc vào điều kiện ngân sách và mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp y tế ở địa phương, mức độ tự chủ càng cao thì ngân sách y tế càng giảm, nên tỷ lệ ngân sách y tế dành cho y tế dự phòng phải tăng cao hơn tỷ lệ theo quy định thì mới đáp ứng được yêu cầu.

“Tôi đề nghị nghiên cứu cách tính chi ngân sách y tế dự phòng theo hướng tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổng kinh phí thanh quyết toán hàng năm chi cho công tác phòng bệnh, chữa bệnh gồm cả nguồn bảo hiểm y tế và nguồn ngân sách nhà nước” - đại biểu Trần Văn Tuấn phát biểu./.

Cùng chuyên mục
Để y tế cơ sở là “xương sống”