Phòng ngừa và ngăn chặn từ xa, từ sớm lãng phí, tiêu cực…

(BKTO) - Các địa phương cần thực hiện tốt công tác phối hợp trong xây dựng kế hoạch kiểm toán, tổ chức triển khai kiểm toán và nghiêm túc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, từ đó góp phần giúp cho Kiểm toán nhà nước (KTNN) làm tốt vai trò tư vấn, phòng ngừa và ngăn chặn từ xa, từ sớm lãng phí, tiêu cực.

6a.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh N.LỘC

Kết quả kiểm toán góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Tại Hội nghị Sơ kết, ký Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh: An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Minh Khương cho biết, trong những năm qua, công tác phối hợp giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác của mỗi bên.

Nêu cụ thể về những kết quả đạt được trong công tác phối hợp giữa KTNN với các tỉnh, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IX Trương Đức Thành cho biết, sau khi Quy chế phối hợp được ký kết, KTNN và HĐND, UBND các tỉnh đã tích cực, nghiêm túc triển khai thực hiện; công tác phối hợp khá chặt chẽ, đi vào thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm đảm bảo mục tiêu đề ra. Đặc biệt, qua công tác kiểm toán, KTNN khu vực IX đã có kết luận, kiến nghị xác đáng, phù hợp, kịp thời góp phần chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành ngân sách địa phương (NSĐP). “Thông qua kiểm toán, KTNN đã đề xuất kiến nghị nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, kế toán, góp phần bịt các lỗ hổng trong quản lý NSĐP” - Kiểm toán trưởng Trương Đức Thành nhấn mạnh.

6b.jpg
Kiểm toán góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương. Ảnh N.LỘC

Đánh giá cao sự vào cuộc trách nhiệm của KTNN, đại diện các địa phương khẳng định, việc gửi văn bản lấy ý kiến về đầu mối kiểm toán trong các kế hoạch kiểm toán giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND các địa phương và cơ quan thanh tra, kiểm tra đã góp phần hạn chế sự trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động kiểm toán và hoạt động kiểm soát nội bộ của địa phương như thanh tra, kiểm tra, giám sát các cấp, từ đó tạo được sự đồng thuận cao trong hoạt động kiểm toán.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời đánh giá, các kiến nghị kịp thời của KTNN đã góp phần chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành NSĐP; đồng thời là kênh thông tin quan trọng UBND các cấp hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của địa phương. “Đây là căn cứ để địa phương quyết định dự toán, phê chuẩn quyết toán NSĐP, góp phần đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phòng, chống tham nhũng, lãng phí” - ông Ngời chia sẻ.

Còn theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh Dương Thị Ngọc Thơ, kết quả kiểm toán cũng là kênh thông tin quan trọng để HĐND tỉnh sử dụng kết quả trong quá trình thẩm tra, quyết định thông qua quyết toán ngân sách, dự toán và phân bổ ngân sách năm sau. “Trong khi thực hiện hoạt động giám sát của HĐND về lĩnh vực tài chính, ngân sách, HĐND tỉnh đã tích cực đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán” - bà Thơ nhấn mạnh.

Kiểm toán nhà nước đồng hành, tư vấn vì sự phát triển của địa phương

Đánh giá mối quan hệ phối hợp công tác của KTNN với các địa phương ngày càng thực chất, hiệu quả, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn yêu cầu KTNN khu vực IX, trong thời gian tới, cần thực hiện tốt công tác kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP, kịp thời cung cấp thông tin cho HĐND các tỉnh phê chuẩn quyết toán NSĐP và tổng hợp để xây dựng dự toán ngân sách nhà nước.

Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu đầy đủ theo quy định của pháp luật; lựa chọn cán bộ nắm chắc vấn đề để phối hợp với đoàn kiểm toán, trao đổi thẳng thắn, giúp nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, nâng cao hiệu lực của các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Đặc biệt, mong các địa phương cần thực hiện tốt công tác phối hợp trong xây dựng kế hoạch kiểm toán, tổ chức triển khai kiểm toán và nghiêm túc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, từ đó góp phần giúp cho KTNN làm tốt vai trò tư vấn, phòng ngừa và ngăn chặn từ xa, từ sớm lãng phí, tiêu cực.

Thông tin cụ thể về nội dung này, Kiểm toán trưởng Trương Đức Thành cho biết, hằng năm, thông qua hoạt động kiểm toán NSĐP, KTNN đã tư vấn và giúp HĐND tỉnh hoàn thiện hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách. Những thông tin, dữ liệu trao đổi giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh đã có tác dụng tích cực cho các cấp chính quyền, cơ quan chức năng của tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lập dự toán ngân sách, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài chính công và tài sản công.

Đánh giá cao các kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của KTNN trong việc tư vấn và giúp UBND tỉnh hoàn thiện hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh. “Những thông tin, dữ liệu trao đổi giữa KTNN và UBND tỉnh đã có tác dụng tích cực cho các cấp chính quyền, cơ quan chức năng của tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” - ông Sơn nhấn mạnh.

Do đó, ông Sơn mong muốn KTNN tăng cường chia sẻ, cung cấp thông tin nghiệp vụ, nhất là thông tin chuyên đề về một số lĩnh vực quản lý nhà nước phức tạp, nhạy cảm. Qua đó, giúp địa phương hạn chế, khắc phục những bất cập, thiếu sót trong quản lý, phát huy hiệu quả nguồn lực tài chính, tài sản công, góp phần cho công tác quản lý tài chính - ngân sách tại địa phương ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cũng đề nghị KTNN tiếp tục hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp biện pháp hiệu quả thông qua những cuộc kiểm toán ngân sách, kiểm toán chuyên đề; đặc biệt là trong điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi rất nhanh, các quy định pháp luật được ban hành mới, được sửa đổi bổ sung thường xuyên, để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, đại diện các địa phương cũng đề nghị KTNN đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân sách cho đại biểu dân cử; phối hợp trong việc xây dựng, sửa đổi bổ sung, tuyên truyền các dự án luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản về chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động của HĐND, UBND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định.

Để nâng cao hiệu quả kiểm toán, đồng thời phát huy chức năng tư vấn của KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đề nghị các địa phương tăng cường sự phối hợp với KTNN trong hoạt động giám sát của HĐND; đề nghị KTNN khu vực IX cử bố trí công chức tham gia làm thành viên của đoàn giám sát, từ đó tăng thêm thông tin thực tế để hoạt động kiểm toán hiệu quả hơn, đồng thời làm tăng khả năng và hiệu quả giám sát của HĐND tỉnh; giúp cho việc thực hiện Quy chế phối hợp đạt hiệu quả cao nhất./.

Cùng chuyên mục
Phòng ngừa và ngăn chặn từ xa, từ sớm lãng phí, tiêu cực…