Phúc Sơn, Thuận An không thuộc diện được kiểm toán

(BKTO) - Tại phiên chất vấn Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn vào sáng 05/6, nghị trường “nóng” lên bởi những câu hỏi của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong việc kiểm toán các doanh nghiệp (DN) thực hiện dự án đầu tư có sai phạm.

tong-kt-phat-bieu.jpg
Quang cảnh phiên chất vấn Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn vào sáng 05/6. Ảnh: ST

Doanh nghiệp không có vốn nhà nước không phải là đơn vị được kiểm toán

Liên quan đến chất vấn của đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn ĐBQH Vĩnh Long) về việc các dự án đầu tư xây dựng đã được kiểm toán, nhưng sau đó cơ quan chức năng vẫn phát hiện các sai phạm, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh: KTNN do Quốc hội thành lập với chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Với các vụ án có sai sót trong đấu thầu của Tập đoàn Phúc Sơn và Thuận An, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, 2 DN này không có vốn nhà nước nên không phải là đơn vị được kiểm toán. Xét về góc độ đơn vị có liên quan thì 2 DN này liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công với tư cách là nhà thầu. KTNN chỉ thực hiện kiểm toán ở đơn vị chủ đầu tư và ban quản lý dự án với 3 nội dung: Đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các báo cáo tài chính; đánh giá xác nhận việc tuân thủ pháp luật trong đấu thầu, trong đầu tư xây dựng cơ bản và xác nhận tính hiệu quả trong đầu tư tài chính công, tài sản công.

Theo Luật KTNN, thứ nhất, cần phân biệt rõ đối tượng của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, nhưng khách thể chỉ gồm khu vực công chứ không bao gồm cả khu vực tư, cho dù khu vực này cũng sử dụng tài chính công, tài sản công, điển hình như nguồn lực đầu tư công hay đất đai. Thứ hai, nếu muốn mở rộng khách thể của KTNN thì yêu cầu bổ sung nguồn lực rất lớn cho KTNN, cả nguồn lực con người, tổ chức bộ máy và nguồn lực tài chính, trang thiết bị… Thứ ba, KTNN chỉ là một trong nhiều cơ quan thực thi chức năng giám sát của quản lý nhà nước. Do đó, không thể quy hết trách nhiệm về những vi phạm của một DN nào đó cho KTNN, ngay cả khi DN đó là khách thể vừa được kiểm toán chứ đừng nói DN không phải là khách thể hoặc chưa được kiểm toán hay chưa đến lượt kiểm toán.

Tuy KTNN có hệ thống các phương pháp và công cụ kiểm toán theo đúng thông lệ và chuẩn mực quốc tế, có cơ sở khoa học vững chắc và liên tục được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tế luôn biến động nhưng không có nghĩa KTNN có “mắt thần”, có thể phát hiện ra mọi sai phạm của khách thể được kiểm toán khi những sai phạm đó không thuộc đối tượng kiểm toán hoặc bị giới hạn bởi phương pháp và công cụ kiểm toán. Đó là chưa nói tới rủi ro kiểm toán khi phân định ranh giới tác nghiệp giữa KTNN với các cơ quan giám sát, thanh tra, kiểm tra khác từ Trung ương đến địa phương, từ chuyên ngành đến đa ngành…

TS. Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế

Trong kiểm toán việc chấp hành pháp luật đấu thầu, trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do đơn vị được kiểm toán như ban quản lý dự án và chủ đầu tư cung cấp, KTNN tiến hành thu thập bằng chứng để phục vụ cho việc kết luận về tính trung thực, tính đúng đắn của báo cáo tài chính. Chính vì thế, trong quá trình thực hiện kiểm toán độc lập, KTNN sẽ xem xét toàn bộ quá trình; riêng về lựa chọn nhà thầu, KTNN xem xét việc chấp hành gọi thầu, hồ sơ thầu, chấm thầu, việc ký kết hợp đồng với nhà thầu có đúng không. Trong quá trình kiểm toán, KTNN cũng đã chỉ ra những sai sót, có kiến nghị xử lý tài chính và hoàn thiện văn bản, đặc biệt kiến nghị xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Xung quanh vấn đề này, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn ĐBQH Quảng Bình) cũng nêu câu hỏi, từ các vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An và nhiều vụ án tham nhũng khác cho thấy có sự câu kết giữa DN khu vực ngoài nhà nước với một số cán bộ, công chức trong các dự án đầu tư công để trục lợi tài sản của Nhà nước. Tuy các DN khu vực ngoài nhà nước không thuộc đối tượng kiểm toán của KTNN như Tổng Kiểm toán nhà nước có giải trình, nhưng những vụ việc này đều liên quan tới sử dụng tài chính công, tài sản công, liên quan tới dự án đầu tư công. Qua các vụ việc này, Tổng Kiểm toán nhà nước có kiến nghị gì để KTNN có thể tham gia phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra trong thời gian tới?

“Như tôi đã báo cáo, Phúc Sơn và Thuận An đều là DN không có vốn Nhà nước, do đó không thuộc đối tượng được kiểm toán và không thuộc đơn vị được kiểm toán. Thế nhưng, họ có liên quan đến hoạt động kiểm toán” - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh.

Đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị theo quy định của pháp luật

Nhìn nhận kỹ hơn về các sai phạm của Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An, Tổng Kiểm toán nhà nước chia sẻ: Như các ĐBQH đã biết, Tập đoàn Phúc Sơn bị khởi tố liên quan đến việc chấp hành pháp luật về kế toán, gây hậu quả nghiêm trọng, điều này hoàn toàn không liên quan đến hoạt động của KTNN. Còn Tập đoàn Thuận An có vi phạm về pháp luật, về đấu thầu. Hoạt động của KTNN đối với các dự án này là hoạt động kiểm toán tuân thủ, đánh giá sự tuân thủ pháp luật và nội quy, quy chế của đơn vị được kiểm toán. KTNN dựa trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do đơn vị được kiểm toán là chủ đầu tư, nhà thầu cung cấp và rà soát lại toàn bộ quy trình thực hiện xem đúng pháp luật hay chưa và đưa ra các kiến nghị.

Cũng phản hồi câu hỏi của đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH Vĩnh Phúc) về kiểm toán dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, để kiểm toán các dự án đầu tư sử dụng vốn tài chính công, KTNN thực hiện kiểm toán tuân thủ các quy định pháp luật liên quan từ việc chuẩn bị dự án đến tổ chức triển khai.

Về bố trí vốn, lựa chọn nhà thầu, KTNN xem xét quy trình, thủ tục đấu thầu, quy trình chấm thầu, đối soát giữa hồ sơ thầu và hồ sơ năng lực, xem xét việc ký kết hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu xem có đúng với hồ sơ thầu đã kêu gọi hay không, có sai phạm gì? Đối với khâu triển khai thực hiện, KTNN xem xét việc ứng vốn, thu hồi vốn, kiểm soát tiến độ và thanh quyết toán. Trong quá trình kiểm toán, KTNN rà soát tất cả các nội dung trên. Với mỗi dự án, có những sai phạm khác nhau và KTNN đưa ra kiến nghị xử lý tài chính, đề nghị loại trừ không cho thanh toán những khoản chi không phù hợp và kiến nghị xử lý trách nhiệm cá nhân có liên quan, đồng thời kiến nghị sửa đổi các văn bản pháp luật còn bất cập - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh.

Nêu giải pháp để cơ quan kiểm toán có thể tham gia sâu hơn, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, thuật ngữ “kiểm toán điều tra” đã được đề cập từ năm 1946, nhưng đến nay, sau gần 80 năm, Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) cũng chưa hướng dẫn về kiểm toán điều tra. Hiện nay, có rất ít cơ quan kiểm toán tối cao ở các nước phát triển thực hiện được chức năng này. Ở góc độ KTNN Việt Nam, chúng tôi cố gắng hoàn thành chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị theo quy định của pháp luật và theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “đúng vai và thuộc bài”. “Thuộc bài và đúng vai” thì không bao giờ sai!./.

Cùng chuyên mục
Phúc Sơn, Thuận An không thuộc diện được kiểm toán