76% CEO tin rằng triển vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ được cải thiện trong 12 tháng tới - Nguồn: PwC |
Niềm tin về tăng trưởng kinh tế đã quay trở lại
Khi được hỏi về triển vọng nền kinh tế toàn cầu năm 2021, 76% CEO tham gia khảo sát tin rằng nó sẽ được cải thiện trong 12 tháng tới. Con số này đánh dấu sự phục hồi đáng kể từ cuộc khảo sát năm 2020 khi chỉ có 22% CEO dự kiến tăng trưởng được cải thiện.
Sự lạc quan của các CEO cũng được thể hiện rõ khi có tới 36% CEO cho biết họ rất tự tin về triển vọng tăng trưởng doanh thu của DN mình trong năm 2021 và 47% “rất tự tin” trong 3 năm tới. Những kết quả này đánh dấu sự đảo ngược so với giá trị trung bình và một sự thay đổi đáng chú ý khác so với kết quả khảo sát năm 2020.
CEO tự tin vào triển vọng tăng trưởng doanh thu của DN mình |
Thực tế, các CEO hoàn toàn có thể tự tin vào triển vọng kinh tế trong thời gian tới bởi theo ước tính của PwC, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể tăng tới 5% - gần sát với dự đoán gần đây của IMF.
Cũng theo khảo sát của PwC, các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng theo những cách khác nhau bởi Covid-19. Trong đó, khách sạn - giải trí, vận tải - hậu cần nằm trong số những lĩnh vực có mức độ tin cậy được báo cáo thấp nhất. Ngược lại, các CEO trong lĩnh vực công nghệ tự tin hơn với sự tăng tốc kỹ thuật số trong đại dịch.
Những lo ngại trong giai đoạn mới
Bất chấp sự tự tin, các CEO vẫn nhận thức sâu sắc về các mối đe dọa từ môi trường bên ngoài. Theo đó, đại dịch và các cuộc khủng hoảng sức khỏe khác là mối đe dọa số một trong năm nay với 52% CEO “cực kỳ lo ngại”. Cách đây 6 năm, mối đe dọa này chỉ có 9% CEO lựa chọn.
Nhìn chung, mức độ lo ngại đối với hầu hết các mối đe dọa đã tăng lên so với cuộc khảo sát năm 2020 của PwC, bất chấp sự tự tin của các CEO ngày càng tăng. Đặc biệt, các chuyên gia của PwC nhận ra rằng, sự giằng co giữa lo lắng và lạc quan chỉ gia tăng trong những tuần gần đây với sự biến động khó lường của thị trường.
Các mối lo ngại đều gia tăng so với những khảo sát trước - Nguồn: PwC |
Một điều đáng ngạc nhiên từ khảo sát lần này là chỉ 30% CEO đã chọn biến đổi khí hậu là mối quan tâm cực độ (năm ngoái là 24%). Đây có vẻ là một bước nhảy đáng chú ý nhưng trong bối cảnh sự lo lắng gia tăng đối với tất cả các mối đe dọa, biến đổi khí hậu dường như chỉ thể hiện mức tăng nhẹ.
Hơn nữa, 27% CEO khác còn trả lời rằng “không quan tâm chút nào” hoặc “không quan tâm lắm” về biến đổi khí hậu. Đồng thời, có tới 60% CEO không đưa biến đổi khí hậu vào các hoạt động quản lý rủi ro chiến lược của họ.
Trên thực tế, các khảo sát của PwC đều cho thấy các công ty ở các quốc gia có mức độ phơi nhiễm cao nhất - nhìn chung là một trong những công ty đóng góp nhiều nhất vào việc phát thải CO2 và không quá ngạc nhiên khi chính các công ty này cũng ít có khả năng đưa biến đổi khí hậu vào phương pháp quản lý rủi ro tổng thể.
Trái ngược với sự gia tăng chậm chạp của những lo ngại về khí hậu, không gian mạng đã nhanh chóng trở thành một trong những mối lo ngại chính. Giờ đây, an ninh mạng trở thành mối quan tâm lớn thứ hai với 47% CEO lựa chọn, tăng đáng kể so với 33% của năm ngoái. Thậm chí, các CEO ở Bắc Mỹ và Tây Âu còn xem an ninh mạng là mối đe dọa hàng đầu với sự gia tăng cao các cuộc tấn công mạng trong năm 2020.
Năm 2020, vấn đề chính sách thuế bất ổn nằm ngoài nhóm 10 mối lo ngại hàng đầu, với tỉ lệ 19%. Tuy nhiên năm nay, tỉ lệ các CEO quan ngại về vấn đề này đã tăng lên 31%, đứng vị trí thứ 7. Rõ ràng các lãnh đạo DN đang dõi theo các khoản nợ công của chính phủ và đặt ra nhiều khả năng về việc gia tăng thuế DN trong tương lai gần.
Cũng tăng nhanh trong danh sách các mối quan tâm của các CEO là sự lan truyền của thông tin sai lệch với 28% “cực kỳ lo ngại”, tăng từ 16% trong nghiên cứu năm ngoái. Đặc biệt trong giai đoạn này, các CEO đều thừa nhận tầm quan trọng của tính minh bạch và sự tin tưởng về mặt thông tin, nhất là trong việc khuyến khích tiêm chủng Covid-19.
Tăng tốc kỹ thuật số và năng suất lao động
Sự gia tăng mối quan tâm của các CEO về an ninh mạng và thông tin sai lệch, cùng với sự tăng tốc nhanh chóng của chuyển đổi kỹ thuật số đã buộc các DN không được phép chậm trễ. Gần một nửa các CEO tham gia khảo sát đã có kế hoạch tăng từ 10% trở lên trong đầu tư dài hạn vào chuyển đổi kỹ thuật số.
Tuy nhiên, có một nghịch lý là bất chấp mức độ lo ngại của các CEO về các cuộc tấn công mạng, không đến một nửa số DN có kế hoạch đầu tư kỹ thuật số cao đồng thời có kế hoạch tăng chi tiêu cho an ninh mạng và quyền riêng tư dữ liệu lên 10% hoặc hơn.
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của PwC, khoảng cách giữa các nhà lãnh đạo biết tận dụng AI và những DN tụt hậu đang ngày càng rộng hơn. Nguyên nhân là do các công ty đi đầu đang tích hợp sâu hơn AI vào các ứng dụng liên quan đến khách hàng, ứng dụng văn phòng và quản lý rủi ro, đồng thời giải quyết sự sai lệch về thuật toán để các bên liên quan tin tưởng vào kết quả đầu ra.
Bên cạnh kỹ thuật số, có tới 36% CEO hướng đến mục tiêu tập trung vào năng suất thông qua công nghệ và tự động hóa, cao hơn gấp đôi so với khảo sát năm 2016. Các CEO đang tập trung tạo ra một lực lượng lao động có kỹ năng, được giáo dục và có khả năng thích ứng cao. Đồng thời, ngày càng có nhiều CEO tìm cách tăng cường khả năng cạnh tranh của tổ chức thông qua các khoản đầu tư kỹ thuật số vào lực lượng lao động./.
THÙY LÊ