Quyết toán NSNN năm 2018: Kỳ III Nhiều bất cập, hạn chế trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển

(BKTO) - Theo kết quả kiểm toán, năm 2018, chi đầu tư phát triển bằng 97,9% dự toán, chiếm 27,4% tổng chi NSNN và bằng 7,1% GDP. Qua kiểm toán, KTNN đã chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý và sử dụng ngân sách chi cho đầu tư phát triển.




Qua kiểm toán, KTNN chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng ngân sách chi cho đầu tư phát triển. Ảnh: X.Trường

Tái diễn tình trạng giao vốn chậm, dàn trải và không đúng đối tượng

Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2018 của KTNN chỉ rõ, Quốc hội quyết định dự toán chi đầu tư phát triển năm 2018 là 399.700 tỷ đồng; trong đó, vốn trong nước 339.434 tỷ đồng, vốn ngoài nước 60.266 tỷ đồng. Kết quả kiểm toán cho thấy, công tác lập, giao dự toán chi đầu tư vẫn tái diễn tình trạng giao vốn nhiều lần, chưa sát thực tế, bố trí vốn dàn trải. Một số dự án chưa tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn, giao vốn chậm, không đúng đối tượng...

Cụ thể, giao chi tiết kế hoạch vốn (KHV) đầu tư phát triển năm 2018 nguồn NSNN 5 lần sau ngày 20/12/2017 là chưa tuân thủ quy định của Luật Đầu tư công. Việc giao dự toán cũng chưa ưu tiên bố trí KHV cho các dự án đã hoàn thành trong khi lại giao KHV năm 2018 cho nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân thấp. Đặc biệt, một số dự án khởi công mới năm 2017 mặc dù có tỷ lệ giải ngân rất thấp nhưng vẫn bố trí KHV từ nguồn trái phiếu chính phủ năm 2018 lớn và tiếp tục giải ngân trong năm thấp. Bên cạnh đó, tình trạng bố trí vốn khởi công mới không đảm bảo điều kiện thu hồi ứng trước tối thiểu 20% số vốn ứng trước nguồn ngân sách trung ương (NSTƯ); giao KHV cho một số dự án nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020 nhưng không thuộc đối tượng, phạm vi của các chương trình mục tiêu 3.590 tỷ đồng. Ngoài ra, giao 2.364 tỷ đồng KHV ngoài nước năm 2018 cho 4 dự án đường cao tốc do Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư để tiếp tục thực hiện chuyển đổi số vốn ODA từ hình thức cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp chưa phù hợp quy định.

Công tác xây dựng, giao KHV tại một số Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương còn xảy ra tình trạng bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho một số dự án không đúng đối tượng, chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa đảm bảo thứ tự ưu tiên, chưa bố trí đủ vốn đối ứng hoặc vượt mức quy định; điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án khi chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; chưa xây dựng, phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Việc phân bổ vốn năm 2018 cho một số dự án còn bất cập như: phân bổ cho dự án phê duyệt sau ngày 31/10/2017 không thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn hoặc kế hoạch đầu tư năm 2018; phân bổ không đúng tính chất nguồn vốn; bố trí vốn dàn trải, chưa đúng thứ tự ưu tiên; phân bổ vượt mức quy định và khả năng thực hiện... Bên cạnh đó, tình trạng phân bổ chưa phù hợp với thực tế dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung còn xảy ra tại nhiều Bộ, ngành, địa phương được kiểm toán.

Sai sót ở hầu hết các khâu trong thực hiện dự án

Đánh giá về hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư, KTNN cũng phát hiện những bất cập trong hầu hết các khâu thực hiện dự án đầu tư. Cụ thể, phê duyệt chủ trương đầu tư khi chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, xác định cơ cấu nguồn vốn không đúng quy định... Bên cạnh đó, còn tình trạng trình thẩm định, phê duyệt dự án khi chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa đầy đủ thủ tục, không nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, không phù hợp với quy hoạch; xác định tổng mức đầu tư thiếu chính xác, phải điều chỉnh nhiều lần, giá trị điều chỉnh lớn... Đặc biệt, tình trạng hồ sơ thiết kế chưa chi tiết, đầy đủ, tính toán sai khối lượng, dự toán, áp dụng sai đơn giá, thiết kế chưa sát thực tế dẫn đến phải điều chỉnh còn xảy ra tại hầu hết dự án được kiểm toán.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, tiến độ thực hiện nhiều dự án chậm so với kế hoạch ban đầu, tuy nhiên, chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan chưa làm rõ nguyên nhân để xử lý theo quy định. Tỷ lệ giải ngân vốn năm 2018 tại một số Bộ, ngành, địa phương, dự án thấp, cá biệt có dự án còn phải hủy KHV năm 2018 do không thực hiện được.

Trong công tác nghiệm thu, thanh toán, KTNN đã chỉ ra những sai sót về khối lượng, đơn giá, định mức, bù giá thiếu cơ sở hoặc chưa đầy đủ thủ tục, hồ sơ; thanh toán vượt giá trị nghiệm thu, quyết toán; thanh toán khối lượng không theo thiết kế và chưa điều chỉnh đơn giá vật liệu theo thời điểm thi công; chậm thu hồi các khoản tạm ứng quá thời gian quy định tại một số dự án. Đáng chú ý, tình trạng chậm quyết toán còn xảy ra tại nhiều dự án. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2018, số dự án hoàn thành được phê duyệt quyết toán là 65.127 dự án (bằng 70% tổng số dự án hoàn thành). Trong đó, 8.939 dự án hoàn thành đã nộp báo cáo quyết toán nhưng chưa phê duyệt (gồm 7.176 dự án đã nộp hồ sơ và còn trong thời hạn thẩm tra nhưng chưa phê duyệt quyết toán, bằng 80%, 1.763 dự án chậm phê duyệt quyết toán, bằng 20%); có 18.869 dự án chưa nộp báo cáo quyết toán (10.058 dự án vi phạm thời gian quyết toán, chiếm 10,8% dự án hoàn thành, trong đó, 3.247 dự án chậm nộp báo cáo quyết toán trên 24 tháng).

Về nợ đọng xây dựng cơ bản, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 bố trí để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn NSTƯ là 9.869 tỷ đồng, số phân bổ 5.751 tỷ đồng, số chưa phân bổ đến ngày 31/12/2018 là 4.118 tỷ đồng. Kết quả kiểm toán niên độ 2018 của KTNN cho thấy, số liệu tổng hợp nợ đọng đến ngày 31/12/2018 của 45 địa phương là 33.223 tỷ đồng, trong đó có địa phương còn để phát sinh 1.818 tỷ đồng nợ đọng mới trong năm 2018; một số Bộ, ngành, địa phương nợ đọng lớn nhưng chưa xử lý.

Tổng hợp kết quả kiểm toán 2.013 dự án trong năm 2019, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 9.447 tỷ đồng. KTNN cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, rà soát để xử lý theo quy định đối với các dự án nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020 nhưng không thuộc đối tượng, phạm vi của các chương trình mục tiêu 790 tỷ đồng. Đồng thời, tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm việc chuyển đổi 4 dự án của VEC từ hình thức cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp.

Đ.KHOA
Cùng chuyên mục
Quyết toán NSNN năm 2018: Kỳ III Nhiều bất cập, hạn chế trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển