Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018: Kỳ II - Thu vượt dự toán nhưng công tác quản lý thu còn bất cập

(BKTO) - Kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN năm 2018, KTNN chỉ rõ, thu NSNN vượt dự toán giao song cơ cấu thu chuyển dịch chậm, nhiều khoản thu không đạt mục tiêu đặt ra. Trong khi đó, công tác quản lý thu còn không ít bất cập, hạn chế, tình trạng nợ đọng thuế gia tăng…




KTNN chỉ rõ, thu NSNN năm 2018 vượt dự toán giao song cơ cấu thu chuyển dịch chậm, nhiều khoản thu không đạt mục tiêu đặt ra. Ảnh tư liệu

Ba năm liên tiếp hụt thu từ sản xuất kinh doanh

KTNN xác nhận, quyết toán thu NSNN năm 2018 là 1.431.662 tỷ đồng, tăng 8,5% so với dự toán giao và bằng 110,7% thực hiện năm 2017 (1.431.662/1.293.627 tỷ đồng). Tuy nhiên, kết quả tăng thu nội địa chủ yếu từ tiền sử dụng đất 61.915 tỷ đồng; chênh lệch thu chi Ngân hàng Nhà nước không giao dự toán 4.851 tỷ đồng; thu trước hạn về thuế 1.095 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 15.999 tỷ đồng (DN nộp trước hạn quy định). Nếu loại trừ các khoản thu trên thì thu nội địa chỉ đạt 96,7% dự toán giao.

Đáng chú ý, một số khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh (DNNN, DN có vốn đầu tư nước ngoài và công thương nghiệp ngoài quốc doanh) chiếm khoảng 50,7% tổng thu nội địa nhưng thực hiện năm 2018 đều hụt so với dự toán giao. Cụ thể, thu DNNN đạt 92,1% dự toán giao (tương ứng hụt thu gần 13.200 tỷ đồng), thu DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 83,6% dự toán giao (tương ứng hụt hơn 36.400 tỷ đồng), thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 96,2% dự toán giao (tương ứng hụt hơn 8.300 tỷ đồng). Theo KTNN, việc hụt thu này đã diễn ra trong 2 năm liên tục trước đó (từ năm 2017-2018). Ngoài nguyên nhân do tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn thì nguyên nhân chính là do trong quá trình xây dựng dự toán đã đánh giá tốc độ tăng thu của khu vực sản xuất kinh doanh cao hơn so với thực tế dẫn đến giao dự toán không sát.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, tỷ lệ huy động vào NSNN năm 2018 đạt 26% GDP, vượt mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 (23,5% GDP), song cơ cấu thu NSNN chuyển dịch chậm. Theo đó, tỷ lệ thu nội địa năm 2018 đạt 81% tổng thu NSNN, tăng so với năm 2017 song chưa đạt mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 (84 - 85%); tỷ lệ thu từ thuế, phí, lệ phí chỉ đạt 19,1% GDP, thấp hơn mục tiêu đề ra trong Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 (khoảng 21% GDP).

Tái diễn nhiều bất cậptrong quản lý thu ngân sáchnhà nước

Chỉ ra những bất cập, hạn chế trong công tác thu và quản lý thu NSNN, KTNN cho biết, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN… còn xảy ra tại nhiều đơn vị được kiểm toán. Kết quả kiểm toán, KTNN xác định số phải nộp NSNN tăng thêm 8.151 tỷ đồng. Trong đó, qua đối chiếu thuế, KTNN đã kiến nghị nộp NSNN tăng 861 tỷ đồng tại 1.778 DN. Ngoài ra, tỷ lệ để lại đối với một số phí, lệ phí không phù hợp so với nhu cầu sử dụng dẫn đến cuối năm 2018, kinh phí tồn không có nhiệm vụ chi còn lớn, làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Bên cạnh đó, công tác quản lý thu, chống thất thu thuế tại một số cơ quan thuế còn tình trạng miễn giảm tiền thuê đất, ưu đãi thuế TNDN đối với một số dự án chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện ưu đãi; một số cuộc thanh tra, kiểm tra xử lý kết quả thanh tra, kiểm tra không phù hợp quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế; xác định tiền chậm nộp, xác định thuế GTGT đầu vào, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế qua kết quả thanh tra, kiểm tra chưa đầy đủ...

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra những bất cập trong quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, như: chưa điều chỉnh lại đơn giá thuê đất đối với một số trường hợp hết thời gian ổn định tiền thuê đất; chưa lập bộ quản lý thu tiền thuê đất các trường hợp đã có hợp đồng thuê đất; chưa lập thủ tục cho thuê đất và thu tiền thuê đất đối với một số đơn vị sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh; chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa xác định thông tin địa chính làm căn cứ xác định tiền thuê đất phải thu trong thời gian dài tại một số khu đất... Trong quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản, một số địa phương còn tình trạng khai thác khoáng sản không phép; cấp phép khai thác khoáng sản nhưng chưa ký hợp đồng cho thuê đất dẫn đến chưa thu được tiền thuê; khai thác tài nguyên nước trước khi được cấp phép khai thác hoặc chưa được cấp phép; chậm điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa ban hành chế tài xử lý đơn vị chậm nộp tiền hỗ trợ đóng góp từ khai thác khoáng sản để phục hồi hạ tầng giao thông của tỉnh; một số DN còn nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; chưa hoàn trả tiền ký quỹ về cải tạo, phục hồi môi trường.

Trong công tác quản lý thuế, KTNN xác nhận, tổng số nợ thuế do ngành thuế quản lý đến ngày 31/12/2018 là 86.680 tỷ đồng, tăng 4,9% so với năm 2017, trong đó nợ khó thu tăng 17%. Qua kiểm toán cho thấy, mặc dù tỷ trọng nợ thuế so với thu nội địa (trừ dầu thô) giảm so với các năm trước song 55/63 địa phương có dư nợ khó thu tăng, trong đó một số địa phương có mức tăng cao. Số nợ thuế đến ngày 31/12/2018 bằng 8% số thực thu NSNN năm 2018, chưa đạt mức phấn đấu dưới 5% theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; có 49/63 địa phương mức dư nợ thuế trên 5%, đặc biệt 6 địa phương có tỷ lệ dư nợ thuế trên 20%. Hầu hết các cơ quan thuế chưa hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu của ngành về thu hồi “tối thiểu 97% đối với các khoản nợ thuế đến 90 ngày và tiền nợ thuế trên 90 ngày đến ngày 31/12/2017”. Đối với nợ thuế do cơ quan hải quan quản lý, mặc dù nợ quá hạn đến ngày 31/12/2018 là 6.720 tỷ đồng, giảm 1,7% so với năm 2017, bằng 2,14% số thu ngành hải quan năm 2017 song còn 11/36 cục hải quan có số nợ đọng thuế chuyên thu quá hạn tăng so với năm 2017, trong đó có một số cục hải quan có số nợ tăng cao.

Đ.KHOA
Cùng chuyên mục
Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018: Kỳ II - Thu vượt dự toán nhưng công tác quản lý thu còn bất cập