Quản trị công nghiệp khai khoáng: Kém hiệu quả vì quản lý phân tán, lỏng lẻo

(BKTO) - Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng về khoáng sản. Tuy nhiên, chính sách, pháp luật về khoáng sản còn nhiều lỗ hổng khiến NSNN bị thất thu. Yêu cầu đặt ra là Việt Nam cần phải có những giải pháp quản trị ngành công nghiệp khai khoáng hợp lý hơn.



Yếu kém trong quản lýnguồn thu

Quản trị một cách hiệu quả ngành công nghiệp khai khoáng vẫn luôn được coi là một thách thức lớn, đặc biệt đối với các nước thu nhập thấp và trung bình. Trong 3 thập kỷ gần đây, các ngành công nghiệp khai thác của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và đóng góp đáng kể vào NSNN.

Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng, các nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản thực sự không tương xứng với quy mô khai thác, đầu tư và chi phí môi trường. Điều này đã đặt ra một vấn đề với Việt Nam, dù tài nguyên giàu có nhưng quản lý như thế nào để có thể tạo nên bước tiến đối với nền kinh tế và đời sống của người dân.

Theo công bố về Chỉ số quản trị tài nguyên năm 2017 của Viện Quản trị Tài nguyên Thiên nhiên (NRGI), có 66/81 quốc gia được đánh giá là hạn chế, yếu kém hoặc thất bại trong quản trị ngành công nghiệp khai thác của quốc gia. Đối với nhóm quốc gia này, quản trị tài nguyên yếu kém cùng với tham nhũng có hệ thống là những thách thức lớn.

Trong bản đánh giá này, Việt Nam đứng thứ 45, thuộc nhóm yếu - nhóm quốc gia có một số lĩnh vực quản trị tốt và một số lĩnh vực có vấn đề. Khai thác tài nguyên có thể giúp ích cho xã hội nhưng dường như các lợi ích lâu dài rất mờ nhạt. Trong đó, chỉ số tốt nhất của Việt Nam là môi trường thuận lợi với điểm số 59/100 và kém nhất là quản lý nguồn thu với số điểm 30/100.

Đánh giá về vấn đề này, TS. Phạm Quang Tú - Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho rằng: So sánh chỉ số quản trị tài nguyên giữa năm 2017 và năm 2013 của Việt Nam thì điểm số và thứ hạng có cải thiện nhưng mặt bằng chung không thay đổi, vẫn ở mức yếu và mấp mé rơi xuống kém, nếu không có sự cải thiện thì luôn ở ngưỡng kém, tác động tiêu cực tới đóng góp ngân sách.

Việt Nam được đánh giá là nước có hệ thống văn bản pháp luật tương đối đầy đủ về số lượng nhưng thực thi còn nhiều yếu kém. Đặc biệt, thực thi trong quản lý nguồn thu ngân sách chỉ được 30 điểm, coi như là kém và gần rất kém, đó là vấn đề chúng ta cần quan tâm.

Quản lý còn phân tán

Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư cho biết: Trước đây, công nghiệp khai khoáng đóng góp 11% GDP, 28 - 29% số thu ngân sách, có năm đóng góp của dầu khí tới 24% số thu ngân sách nhưng hiện đã giảm đi rất nhiều.

Việc quản lý công nghiệp khoáng sản vẫn còn phân tán, chẳng hạn, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện quản lý tài nguyên khoáng sản nhưng Bộ Công Thương lại quản lý việc khai thác khoáng sản… Cùng với đó, công tác quản lý ở cấp T.Ư và địa phương cũng có sự phân tán. Mỏ lớn do Bộ cấp phép, mỏ nhỏ giao cho các tỉnh cấp phép.

Sự phân tán trong công tác quản lý đã dẫn tới tình trạng nhiều vụ khai thác khoáng sản lậu mà cơ quan địa phương không hề biết trong nhiều năm, thậm chí gây xung đột tại nhiều địa phương. Bên cạnh đó, do quản lý khai thác các mỏ nhỏ, khoáng sản khá phân tán nên việc thống kê và quản lý nguồn thu cho ngân sách có nhiều thiếu sót.

Còn TS. Phạm Quang Tú cho rằng: Nhìn thì thấy khung luật liên quan đến lĩnh vực khoáng sản tương đối đầy đủ nhưng chất lượng lại có vấn đề, còn có khoảng cách lớn giữa các quy định trong văn bản và thực thi còn lớn. Nhà nước chủ yếu kiểm soát dựa trên khai báo của DN, như vậy, Nhà nước vẫn "nắm đằng lưỡi".

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Minh Đức - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nhận định: Chúng tôi có khảo sát và cũng nhận thấy thuế khoáng sản của Việt Nam cao so với thế giới. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở thuế suất bao nhiêu mà ở việc giám sát thu như thế nào, nhất là khi DN báo cáo sai về sản lượng khai thác. Ví dụ, DN khai thác được 10 tấn song báo cáo có 3 tấn thì cơ quan thuế chỉ thu thuế được trên 3 tấn thôi, điều này gây thất thoát nguồn tiền rất lớn của ngân sách. Vấn đề chính nằm ở việc giám sát sản lượng một cách chính xác để thu thuế.

Để khắc phục những bất cập trên, hướng tới quản lý và khai thác khoáng sản bền vững, TS. Phạm Quang Tú cho rằng: Điều đầu tiên phải làm là đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Luật Khoáng sản 2010. Luật Khoáng sản 2010 còn có nhiều lỗ hổng, cần sớm được sửa đổi. Bên cạnh đó, cần tăng cường thực thi luật pháp tại các địa phương, tăng cường sự tham gia của các bên liên quan và có cơ chế bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình khai thác.

HOÀNG LONG
Theo Báo Kiểm toán số 06 ra ngày 08-02-2018
Cùng chuyên mục
  • Sửa đổi điều kiện kinh doanh vận tải ô tô: Mạnh tay bãi bỏ quy định “trói buộc” doanh nghiệp
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP (Nghị định 86) về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Góp ý cho Dự thảo này, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước vẫn duy trì những quy định hành chính vô lý, gây khó khăn, trở ngại đối với DN và người dân.
  • Tăng tuổi nghỉ hưu: Cần hạn chế những tác động  tiêu cực cho thị trường lao động
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Tại Dự thảo Tờ trình về sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề xuất 2 phương án về tuổi nghỉ hưu (giữ nguyên như hiện nay hoặc nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình nam lên 62, nữ lên 60). Đề xuất này thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội với những luồng ý kiến trái chiều. Song qua các khảo sát, đánh giá cho thấy việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết và phù hợp với xu thế chung.
  • Phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư công
    6 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Năm 2017, việc thực hiện cả 3 yêu cầu lớn của Thủ tướng Chính phủ đối với phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, gồm: siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách, kiên trì xử lý các vấn đề tồn tại trong quản lý đầu tư công; nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách T.Ư ngày càng thu hẹp; thực hiện trao quyền tự chủ tối đa cho các địa phương, đều đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
  • Kinh tế-xã hội chuyển biến tích cực trong tháng đầu năm 2018
    6 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Ngày 02/02, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2018.
  • BSR, PV Power và PV Oil có sức hút lớn với nhà đầu tư
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Những tuần qua, Tổng công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi cả 3 DN của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) này đều đã và đang thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và chuẩn bị bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.
Quản trị công nghiệp khai khoáng: Kém hiệu quả vì quản lý phân tán, lỏng lẻo