Cơ hội vàng cho du lịch Việt
Bình thường, sẽ phải mất cả triệu USD cho vài phút xuất hiện trên các kênh truyền hình nổi tiếng thế giới. Nhưng còn có một cách để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới hiệu quả hơn rất nhiều đó là thông qua các thước phim điện ảnh. Việc phong cảnh Việt Nam xuất hiện trong phim “Kong: Đảo Đầu lâu” (công chiếu từ ngày 10/3) là một trong những minh chứng thuyết phục nhất.
Dễ dàng nhận ra những hình ảnh quen thuộc của Việt Nam trong bộ phim bom tấn “Kong: Đảo Đầu lâu”.Ảnh: TK
Lấy bối cảnh chính là không gian non nước tại động Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), “Kong: Đảo Đầu lâu” đã mang đến cho công chúng những cảnh quay choáng ngợp và hùng vĩ. Bản thân đoàn làm phim của Hollywood cũng phải ngạc nhiên, khi lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến cảnh đẹp khi thực hiện các cảnh quay.
Thực tế, trước “Kong: Đảo Đầu lâu”, cũng đã có khá nhiều bộ phim nước ngoài lấy bối cảnh tại Việt Nam từng khiến du khách quốc tế muốn được đến tận nơi trải nghiệm. Như bộ phim nổi tiếng “Người tình” năm 1986 có nhiều cảnh quay thực hiện tại miền Tây Nam Bộ với cánh đồng lúa bát ngát, những phiên chợ quê bình dị, nhà cổ ở Sa Đéc (Đồng Tháp)... Hay phim “Đông Dương” năm 1992 được trao Giải Oscar cho phim tiếng nước ngoài hay nhất với những cảnh quay được thực hiện từ Đại Nội đến hậu cung Kinh thành Huế (Thừa Thiên - Huế). Điều đáng tiếc là những cơ hội quảng bá này không được ngành du lịch tận dụng khai thác nên hiệu quả từ việc quảng bá hình ảnh du lịch Việt qua điện ảnh đến giờ vẫn là sự khởi đầu.
Theo ông Nguyễn Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch) - quảng bá du lịch qua điện ảnh đang trở thành xu hướng và là một giải pháp hữu hiệu được các quốc gia trên thế giới áp dụng và rất thành công. Ví dụ như Thái Lan, doanh thu từ du lịch mỗi năm đạt hàng chục tỷ USD, một phần nhờ tích cực quảng bá du lịch qua điện ảnh.
Nắm bắt cơ hội ra sao?
Có thể thấy, bộ phim do hãng phim của Hollywood thực hiện đang tạo ra những hiệu ứng tích cực để ngành du lịch quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam đến gần hơn với thế giới. Ý thức được vấn đề này, những đơn vị làm du lịch Quảng Bình đã chủ động nhập cuộc từ rất sớm. Trước khi bộ phim “Kong: Đảo Đầu lâu” được công chiếu, tỉnh Quảng Bình đã đón đầu, thực hiện nhiều giải pháp để thu hút du khách. Điển hình như việc ra mắt website bằng tiếng Anh, giới thiệu các điểm đến, dịch vụ, có tính kết nối giữa đơn vị lữ hành với du khách; quảng bá trên trang điện tử du lịch lớn nhất thế giới TripAdvisor, đồng thời thực hiện chương trình kích cầu du lịch…
Tuy nhiên, ở tầm vĩ mô, Tổng cục Du lịch dường như vẫn đang lúng túng với việc tận dụng cơ hội quảng bá du lịch “có một không hai” này. Khi bộ phim đã được công chiếu, cơ quan này vẫn chưa có nhiều hoạt động đáng kể ngoài việc bổ nhiệm đạo diễn của phim làm đại sứ du lịch, song giới chuyên gia cũng tỏ ra không mấy kỳ vọng về hiệu quả của hoạt động này. Trong khi đó, với nguồn ngân sách 2 triệu USD chi cho xúc tiến du lịch hằng năm, nhiều chuyên gia khuyến nghị, ngành du lịch nên chuyển hướng quảng bá du lịch qua điện ảnh; xây dựng chiến lược quảng bá và làm bài bản, thay vì chỉ tập trung vào cách làm truyền thống kém hiệu quả như hiện nay.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi Thái Lan về dịch vụ làm phim với Hollywood cho những dự án về sau. Đơn cử như, hòn đảo Koh Phi Phi của Thái Lan đã nổi danh thế giới sau khi được bộ phim “The Beach” lựa chọn để thực hiện cảnh quay vào năm 2000. Ngay khi bộ phim công chiếu, Chính phủ Thái Lan đã làm việc với nhà sản xuất để các hình ảnh và đoạn phim quảng bá về hòn đảo được sử dụng để quảng bá du lịch. Hay tại New Zealand, khi bộ phim “The Hobbits” còn chưa quay xong, ngành du lịch New Zealand đã dành hẳn một mục trên trang chủ để giới thiệu với thế giới về việc nước này được chọn là bối cảnh chính của bộ phim. Hình ảnh ngôi làng xanh mướt cỏ của người Hobbit nhờ thế nhanh chóng được du khách biết đến…
Rõ ràng, trước hàng loạt cơ hội quảng bá du lịch qua điện ảnh từng được mở ra nhưng bị bỏ lỡ một cách lãng phí, hơn bao giờ hết, ngành du lịch cần thẳng thắn nhìn nhận, để dành sự quan tâm xứng đáng cho cách thức quảng bá đã quen thuộc với thế giới, nhưng còn mới mẻ này ở Việt Nam.
NGUYỄN LỘC