Phát triển kinh tế gây hệ lụy ô nhiễm môi trường
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện có 787 đô thị với 3 triệu m3 nước thải ngày/đêm hầu hết chưa được xử lý và đang lưu hành gần 43 triệu mô tô và trên 2 triệu ôtô. Hằng năm, cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hoá chất bảo vệ thực vật; phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại. Hiện có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh; có hơn 100 lò đốt rác sinh hoạt công suất nhỏ, có nguy cơ phát sinh khí dioxin, furan… Những thống kê đó đã nói lên phần nào bức tranh đáng lo ngại về môi trường của nước ta.
Ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đang ở tình trạng báo động. Ảnh: TK
Đánh giá về thực trạng ô nhiễm môi trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng chỉ ra rằng: Tình trạng ô nhiễm, vi phạm pháp luật về môi trường bùng phát trong thời gian qua do tích tụ nhiều năm trong quá trình phát triển. Ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất đai ngày càng nghiêm trọng nhất là các khu cụm công nghiệp, làng nghề, khu đô thị, khu dân cư tập trung, nông thôn, tình trạng ô nhiễm trên diện rộng chứ không riêng một lĩnh vực nào.
Khoa học công nghệ là giải pháphiệu quả
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thì Việt Nam đang phải đối mặt với 4 thách thức lớn về môi trường: Cùng với việc tồn lưu chất độc hoá học da cam/dioxin do chiến tranh để lại, theo dự báo, ô nhiễm môi trường và sự cố môi trường sẽ tiếp tục gia tăng; công tác quản lý môi trường còn nhiều hạn chế; biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái và sự phát triển bền vững.
Đề cập đến giải pháp, theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì những nguy cơ về môi trường, biến đổi khí hậu khiến nhân loại đặt ra vấn đề chuyển dịch mô hình tăng trưởng, đưa ra cách thức tiếp cận mới về tăng trưởng kinh tế, quản lý tài nguyên nhiên nhiên và bảo vệ môi trường, thúc đẩy an sinh xã hội. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc Việt Nam cần sớm nắm bắt xu thế và có những bước đi phù hợp để thích ứng với biến đổi khí hậu, mà một trong những yếu tố quan trọng nhất là áp dụng khoa học, công nghệ.
Còn theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Lệ Thủy: Thách thức của Việt Nam hiện nay chính là việc đánh đổi tăng trưởng lấy hệ lụy môi trường. Trong thời đại khoa học công nghệ, việc đánh đổi cần phải được loại bỏ, thay vào đó phải ứng dụng khoa học công nghệ vào tăng trưởng và kiểm soát tăng trưởng. Công nghệ hiện đại, sạch và thân thiện với môi trường cần được ưu tiên sử dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng khẳng định, nhiều thách thức về môi trường ở Việt Nam hiện nay chỉ có thể được giải quyết một cách hiệu quả bằng khoa học công nghệ. Do đó, rất cần có sự hỗ trợ, tham gia hiệu quả của các nhà khoa học trong và ngoài nước để đưa ra được những biện pháp có tính đột phá, tiếp cận với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới.
HOÀNG LONG