Quảng Ngãi: 12/13 địa phương đã có sản phẩm OCOP

(BKTO) - Tính đến tháng 11/2023, toàn tỉnh Quảng Ngãi đã có 12/13 địa phương có sản phẩm OCOP, với 163 sản phẩm đạt 3-4 sao. Dự kiến đến hết năm 2023, tỉnh có thêm 60 sản phẩm đạt 3 sao; 6-10 sản phẩm đạt 4 sao, vượt chỉ tiêu đề ra.

ocop-quang-ngai(1).jpg
Đến tháng 11/2023, Quảng Ngãi đã có 12/13 địa phương có sản phẩm OCOP, với 163 sản phẩm đạt 3-4 sao. Ảnh: ST

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, Chương trình đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, tạo nên động lực mới trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Tính đến tháng 11/2023, toàn tỉnh đã có 12/13 địa phương có sản phẩm OCOP, với 163 sản phẩm đạt 3-4 sao, 71 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý và được bảo hộ của tỉnh Quảng Ngãi.

Đặc biệt, Quảng Ngãi đã tổ chức các hội nghị kết nối giao thương sản phẩm của tỉnh vào hệ thống phân phối tại một số tỉnh, thành phố; tổ chức trưng bày sản phẩm OCOP tại các sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh; xây dựng 12 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP…, qua đó nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, như: Quy mô, năng lực quản trị của các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình còn nhỏ, thiếu kiến thức về thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị; một số chủ thể thiếu vốn để đầu tư, nâng cấp trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến; một số sản phẩm quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa đầu tư hệ thống, quy trình sản xuất, quy trình quản lý chất lượng… nên so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, sản phẩm OCOP của Quảng Ngãi tính cạnh tranh chưa cao.

Tại cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành, địa phương để nghe báo cáo kết quả thực hiện Chương trình OCOP năm 2023 trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền đề nghị, trong thời gian tới, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các chủ thể cần nhận thức được lợi ích từ việc quan tâm, đầu tư phát triển các sản phẩm OCOP.

Đồng thời, tăng cường kiểm soát, đánh giá chất lượng đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định của Trung ương; rà soát các sản phẩm OCOP đang được thị trường đón nhận để hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các sản phẩm của địa phương, của tỉnh, cũng như nâng cao uy tín, giá trị của sản phẩm, lan tỏa thương hiệu sản phẩm OCOP đi xa hơn…/.

Cùng chuyên mục
Quảng Ngãi: 12/13 địa phương đã có sản phẩm OCOP