Sử dụng công nghệ và khai thác dữ liệu để Hà Nội trở thành thành phố thông minh

(BKTO) - Hà Nội xác định, để tạo nền móng chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh cần phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, nhân lực số, bảo đảm an toàn thông tin...

a.jpg
Quang cảnh Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2023. Ảnh: hanoi.gov.vn

Thông tin tại Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2023, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, Hà Nội có dân số chiếm 8,4% dân số cả nước, tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) năm 2022 tăng 8,89%; tổng thu ngân sách 9 tháng năm 2023 là 305.300 tỷ đồng tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, Hà Nội đứng trước nhiều thách thức do dân số đông, ùn tắc, ô nhiễm, năng lực cạnh tranh… Từ vị thế, cơ hội, thách thức, Thành ủy, UBND Thành phố đã có chủ trương về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh.

Một thành phố phát triển bền vững là thành phố phát triển với mọi tiện ích thông minh, được thể hiện thông qua những lựa chọn “thông minh”, giải pháp “thông minh”, công nghệ “thông minh”.Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh

Theo đó, Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2025 thực hiện chuyển đổi số phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại, tạo điều kiện kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Đến năm 2030, Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, duy trì và phấn đấu vị trí cao trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước, phát triển các dịch vụ sáng tạo, dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác dữ liệu như một nguồn tài nguyên mới để phát triển kinh tế - xã hội.

Về kinh tế số, Hà Nội đặt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số trong GRPD khoảng 30%; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động tăng từ 7 - 7,5%/năm.

Về chính quyền số, đến năm 2025, Hà Nội xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số hiện đại, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản trị nội bộ, xử lý hồ sơ công việc được thực hiện trên môi trường mạnh ở cả 3 cấp.

Về các nhiệm vụ, lĩnh vực trọng tâm xây dựng Thành phố thông minh, Hà Nội xác định gồm hạ tầng kinh tế xã hội thông minh: Y tế, văn hóa, giáo dục, kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, thương mại thông minh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết.

Tham luận về “Góc nhìn và kinh nghiệm xây dựng hạ tầng số cho đô thị tương lai”,  Giám đốc khối Giải pháp chính quyền điện tử - Tập đoàn VNPT Nguyễn Công Thị cho rằng, một trong những nguyên tắc trọng tâm xây dựng kiến trúc đô thị thông minh là Chuyển đổi mô hình quản trị, bởi thành phố thông minh bền vững và hoạt động tốt là sự phối hợp chặt chẽ giữa con người, quy trình, chính sách và công nghệ để làm việc cùng nhau trong toàn bộ hệ sinh thái đô thị thông minh.

Hà Nội là điểm sáng nhất trong hệ sinh thái công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt, với vai trò đầu tàu, dẫn dắt của cả nước về lĩnh vực này, Hà Nội cần có được cơ chế đặc thù, vượt trội, thu hút tài năng của Việt Nam và thế giới, cùng với đó là đi đầu trong công tác đạo tạo công nghệ thông tin cả về phần cứng và phần mềm.Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam Trương Gia Bình

Cùng với đó, phải thiết lập dữ liệu Thành phố bởi dữ liệu là mạch máu của Thành phố thông minh. Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, bao gồm phát triển cả cơ sở hạ tầng đô thị và hạ tầng số, nền tảng số. Thành phố thông minh không phải là về công nghệ mà là sử dụng công nghệ cùng với các lớp sinh thái khác nhau để tạo ra kết quả mà người dân, doanh nghiệp, tổ chức thành phố và du khách quan tâm, ông Nguyễn Công Thị nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, phát triển dữ liệu số bản chất là số hóa toàn bộ dữ liệu liên quan đến mọi mặt đời sống của người dân, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, quản lý, điều hành của chính quyền trên môi trường số và thay đổi cách thức làm việc dựa trên công nghệ số và dữ liệu số. Tuy nhiên, hiện nay, dữ liệu số chưa được hình thành, lưu trữ, phân tích, khai thác tốt.

Do đó, Hà Nội cần xây dựng chiến lược, kiến trúc dữ liệu; quy trình quản trị dữ liệu; nền tảng dữ liệu dùng cho địa phương; các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của sở, ngành địa phương; kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Sáng 29/11, Hội nghị “Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023” với chủ đề “Khai thác dữ liệu - Xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững” chính thức khai mạc. Hội nghị do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội tổ chức.

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày (29-30/11) với 3 nhóm hội thảo chuyên đề: Chính quyền, người dân và doanh nghiệp; Công nghệ, dữ liệu và kết nối; Hợp tác và phát triển. Những khuyến nghị, kinh nghiệm và bài học thực tiễn đựa nêu ra tại các hội thảo sẽ giúp Thành phố Hà Nội lựa chọn và tận dụng tốt hơn cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, an toàn, phát triển nhanh và bền vững. 

Cùng chuyên mục
Sử dụng công nghệ và khai thác dữ liệu để Hà Nội trở thành thành phố thông minh