Quảng Ngãi: Sở Tài nguyên và Môi trường chưa làm tốt công tác tham mưu

(BKTO) - Theo thông tin khảo sát, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chủ yếu là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất san lấp, đá, cát sỏi) thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh. Các mỏ được cấp phép khai thác bằng phương pháp lộ thiên; quy mô mỏ khoáng sản (diện tích, trữ lượng) từ trung bình đến nhỏ. Trữ lượng tài nguyên cát, sỏi lòng sông tại tỉnh Quảng Ngãi được hình thành trên 03 sông chính là Trà Bồng, Trà Khúc và Sông Vệ.

ksqn(1).jpg
Kiểm toán nhà nước đã thực hiện kiểm toán Chuyên đề công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: TS

Qua kiểm toán Chuyên đề công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đánh giá, tỉnh Quảng Ngãi cơ bản đã triển khai thực hiện Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Hệ thống văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đã được địa phương ban hành để thực hiện, sát với tình hình thực tiễn và ngày càng hoàn thiện.

Địa phương cũng đã phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Đoàn kiểm toán cũng ghi nhận, tỉnh đã thực hiện công tác khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; thực hiện khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; phê duyệt trữ lượng khoáng sản; ban hành Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản; thực hiện cấp, gia hạn hoặc thu hồi Giấy phép; ban hành quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Địa phương cũng đã tổ chức quản lý thu đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động tài nguyên khoáng sản; xử lý hành chính các hành vi vi phạm của các đơn vị khai thác khoáng sản. Công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản trong hoạt động khai thác khoáng sản; thanh, kiểm tra thuế được duy trì.

KTNN đánh giá, các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản của tỉnh Quảng Ngãi (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Cục thuế) cơ bản đã thực hiện theo nhiệm vụ được giao; đã tham mưu cho các cấp chính quyền trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản.

Trong đó, Sở Xây dựng đã tổ chức lập Quy hoạch về thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt; thẩm định hồ sơ đối với các dự án khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn.

Còn Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lập và tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt các khu vực khoanh định cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; tổ chức thẩm định các đề án thăm dò, tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng khoáng sản; thẩm định hồ sơ cấp, gia hạn, thu hồi, trả lại, chuyển nhượng, đổi tên Giấy phép khai thác khoáng sản, hồ sơ đóng cửa mỏ khoáng sản.

Đồng thời thực hiện xác định, thẩm định và tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; thẩm định hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp khai thác trong diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình; tổ chức báo cáo định kỳ về công tác quản lý về khoáng sản; thực hiện thanh, kiểm tra; các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác…

Về phía Cục Thuế đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong quản lý thu thuế đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản; thường xuyên cung cấp thông tin liên quan; phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động tài nguyên khoáng sản; chuyển thông tin xác nhận sản lượng tài nguyên khai thác theo quy định.

Tại 25 đơn vị được KTNN kiểm tra đối chiếu, cơ bản đã thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; khai thác khoáng sản theo Giấy phép khai thác được cấp; thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định; chấp hành các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Tuy nhiên, KTNN đã phát hiện có hồ sơ đăng ký cấp phép không có Bản vẽ quy hoạch tổng thể khu vực xây dựng dự án, không xác định khu vực khai thác thuộc phạm vi dự án công trình nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức lập, thẩm định Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; chưa tổng hợp báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

Tại thời điểm kiểm toán, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng chưa tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức lập, thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP; chưa thực hiện tổng hợp báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo tác động môi trường theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP./.

Tại Điều 54 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn về thành phần, hình thức văn bản trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với dự án xây dựng công trình quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật Khoáng sản (dự án do Quốc hội hoặc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư) nhưng chưa hướng dẫn đối với trường hợp khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án, công trình quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Khoáng sản (dự án do UBND tỉnh quyết định đầu tư). Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện, địa phương gặp vướng mắc khi tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản trong khu vực dự án thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.

Cùng chuyên mục
  • Đề xuất dùng ngân sách mua lại 5 dự án BOT
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Đối với 8 dự án BOT, Bộ Giao thông vận tải đang đề xuất dùng ngân sách để mua lại toàn bộ 5 dự án và hỗ trợ 3 dự án còn lại với mức hỗ trợ dưới 50% theo đúng quy định của luật.
  • KTNN tư vấn hoàn thiện công tác quản lý Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Qua kiểm toán Chuyên đề công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã đưa ra một số ý kiến tư vấn về các giải pháp để hoàn thiện công tác quản lý Chương trình.
  • 7 nhóm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu thông qua FTA
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 07/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trả lời làm rõ vấn đề mà Đại biểu Quốc hội quan tâm, liên quan đến hàng giả, hàng nhái trên thương mại điện tử; giải pháp đẩy mạnh xuất nhập khẩu…
  • Cần linh hoạt tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP
    một năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), trong đó có các dự án BOT, cần phải căn cứ vào tính chất của từng dự án và thực tế từng giai đoạn để quyết định tỷ lệ vốn của Nhà nước cho phù hợp.
  • BIDV: Tiếp tục tiên phong trong các hoạt động phát triển xanh và bền vững
    một năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục khẳng định vị trí tiên phong trong các hoạt động phát triển xanh và bền vững, cùng chung tay xanh hóa nền kinh tế.
Quảng Ngãi: Sở Tài nguyên và Môi trường chưa làm tốt công tác tham mưu