Sáng 07/11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã tiếp tục trả lời rõ sự quan tâm của Đại biểu Quốc hội liên quan đến các giải pháp cho 8 dự án BOT - đối tượng trong Nghị quyết số 62/2022/QH15 của Quốc hội khoá XV.
Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đại biểu Nguyễn Quang Huân đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng rất rõ ràng và thẳng thắn các câu hỏi của đại biểu.
Tuy nhiên, Đại biểu băn khoăn về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với chất vấn của đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) về các giải pháp cho 8 dự án BOT trong phiên chất vấn chiều 06/11.
Đại biểu nêu rõ: Bộ trưởng cho rằng sẽ cắt giảm lợi nhuận của các chủ đầu tư hoặc là đàm phán để giảm vốn ngân hàng, điều này có thể là cuộc đàm phán không công bằng, bởi về bản chất ngân hàng cũng là các doanh nghiệp kinh doanh vốn, còn các doanh nghiệp đầu tư bỏ tiền đồng để thu tiền hào, để kỳ vọng vào lợi nhuận trong tương lai.
“Việc đàm phán như vậy có ảnh hưởng đến niềm tin của họ hay không?” - đại biểu đặt câu hỏi, đồng thời đề nghị Bộ trưởng hết sức cân nhắc, nên dùng ngân sách được phân bổ của ngành giao thông sẽ cơ cấu hỗ trợ những dự án mà phải dừng kinh doanh sớm; cần triển khai có lộ trình cho nhiều năm, nhiều lần, chỉ cần công bố được lộ trình đó, các nhà đầu tư, Nhân dân sẽ yên tâm.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, với 8 dự án BOT, Bộ đang làm việc rất sát sao với các nhà đầu tư và các ngân hàng trên cơ sở đàm phán hợp đồng ký kết giữa 2 bên, trên nguyên tắc Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã đặt ra là “lợi ích hài hoà và rủi ro chia sẻ”.
“Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ và Quốc hội đang nghiên cứu các phương án để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có thể thu hồi được vốn. Vấn đề liên quan đến giảm lợi nhuận đầu tư hay ngân hàng phải giảm lãi cũng là việc cần thiết. Còn mức độ như thế nào còn phụ thuộc vào quá trình đàm phán, thuyết phục của Bộ Giao thông vận tải với các ngân hàng và các nhà đầu tư. Chúng ta không thể ấn định rằng, nhà đầu tư sẽ không có lãi hay ngân hàng phải miễn vốn toàn bộ” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, trong 8 dự án này, Bộ đang đề xuất dùng ngân sách để mua lại toàn bộ 5 dự án và hỗ trợ 3 dự án còn lại với mức hỗ trợ dưới 50% theo đúng quy định của luật.
Trước đó, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) đã nêu chất vấn liên quan đến Nghị quyết số 62/2022/QH15 của Quốc hội, giao nhiệm vụ trong năm 2022 giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí dự án BOT.
Tuy nhiên, trong hơn 1 năm qua, mặc dù Bộ Giao thông vận tải tải đã nỗ lực triển khai thực hiện song chưa hoàn thành được nhiệm vụ do Quốc hội giao này.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp và thời gian cụ thể để hoàn thành, trong đó, làm rõ tính khả thi, hợp lý của việc đề nghị tổng mức vốn Nhà nước để xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT là khoảng 10.342.000 tỷ đồng.
Đối với ý kiến của đại biểu Trịnh Xuân An, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, có rất nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến việc tháo gỡ cho các dự án này. Trong đó, một số vấn đề liên quan đến pháp lý, là 8 dự án này đều được triển khai trước khi Luật PPP có hiệu lực. Do vậy, Bộ Giao thông có 2 căn cứ để đề xuất: Một là liên quan đến Nghị định và hai là liên quan đến Luật PPP.
“Đây là những vấn đề tương đối khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải đang tiếp tục giải trình với Chính phủ, với các bộ, ngành để từng bước để có thể trình được Quốc hội trong thời gian tới. Hiện nay, khó khăn liên quan đến vấn đề bất cập về mặt pháp luật hay liên quan đến chủ thể của các dự án này. Các dự án này không chỉ liên quan đến nhà đầu tư mà liên quan đến cả các ngân hàng. Cho nên khi làm việc với nhà đầu tư, chúng tôi làm việc với ngân hàng, yêu cầu nhà đầu tư phải hy sinh lợi nhuận, còn các ngân hàng phải hy sinh lãi suất để bảo toàn và thu hồi vốn” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay.
Cũng theo người đứng đầu ngành giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải đã tổng hợp, có giải trình cụ thể theo yêu cầu của Chính phủ và sẽ báo cáo Chính phủ trước ngày 15/11. Đồng thời, hy vọng Chính phủ sẽ trình Quốc hội để tháo gỡ cho 8 dự án BOT này./.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã đàm phán với nhà đầu tư, ngân hàng bố trí vốn nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, chấm dứt hợp đồng trước hạn đối với 5 dự án; sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước đối với 3 dự án.
5 dự án dự kiến chấm dứt hợp đồng BOT trước hạn gồm: Tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa; cầu đường sắt Bình Lợi; đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo nâng cấp quốc lộ 3; đường Hồ Chí Minh; cải tạo quốc lộ 91 TP Cần Thơ.
3 dự án dự kiến sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước gồm: BOT cầu Ba Vì - Việt Trì; BOT cầu Thái Hà và BOT hầm Đèo Cả.