Quảng Ngãi: Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP trong dịp Tết

(BKTO) - Tỉnh Quảng Ngãi có 163 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao. Những năm gần đây, các sản phẩm OCOP của nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Ngãi được người tiêu dùng lựa chọn ngày càng nhiều và tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán.

l_qn_ocop_screenshot-2024-01-30-115914.png
Tỉnh Quảng Ngãi có 163 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao. Ảnh sưu tầm

Cùng với việc đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm OCOP trên địa bàn Quảng Ngãi ngày càng cải tiến, đầu tư mẫu mã, bao bì và cho ra mắt nhiều dòng sản phẩm phục vụ dịp Tết.

Hiện nay, sản phẩm OCOP được quảng bá, tiêu thụ tại các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các hệ thống siêu thị, trên các sàn thương mại điện tử, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn, mua sắm các sản phẩm OCOP.

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay toàn tỉnh có 163 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao (gồm 9 sản phẩm đạt 4 sao và 154 sản phẩm đạt 3 sao) của 12/13 huyện, thị xã và thành phố (trừ huyện Sơn Tây).

Các sở, ngành đã hướng dẫn một số hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh xây dựng 16 nhãn hiệu chứng nhận, 53 nhãn hiệu tập thể và 2 chỉ dẫn địa lý (gồm quế Trà Bồng, tỏi Lý Sơn) cho nhiều sản phẩm.

Tỉnh đã xây dựng 12 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trong đó có 6 điểm xã hội hóa.

Tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị tăng cường kiểm tra quy trình, hoạt động sản xuất gắn với quản lý sản phẩm OCOP, đảm bảo 100% sản phẩm OCOP có dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc. Lựa chọn và phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng gắn với xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, xúc tiến thương mại gắn với tạo chuỗi liên kết; hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thành lập Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện đúng quy định, đảm bảo chất lượng.

Khuyến khích các chủ thể đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, cải tiến bao bì, nhãn mác, bộ nhận diện thương hiệu, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Với những sản phẩm OCOP không có tiềm năng phát triển, hoặc chủ thể không đáp ứng các yêu cầu sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đạt sao OCOP./.

Cùng chuyên mục
Quảng Ngãi: Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP trong dịp Tết