Bắt mạch các kịch bản lạm phát nửa đầu năm 2024

(BKTO) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng kéo dài và điều này có thể làm gia tăng áp lực lạm phát trong giai đoạn nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nền kinh tế nếu đạt được năng lực hấp thụ vốn tốt, thể hiện sự phục hồi kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2024 là yếu tố hạn chế lạm phát.

Bắt mạch các kịch bản lạm phát nửa đầu năm 2024
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm lãi suất cho vay. Ảnh: TL

Đã có 1,5 triệu tỷ đồng bơm thêm vào nền kinh tế

Các động thái của NHNN trong suốt năm 2023 và đầu năm 2024 cho thấy, cơ quan này vẫn duy trì chính sách tiền kéo dài, nhằm thực hiện các mục tiêu đưa dòng vốn đến đúng các đối tượng có nhu cầu, tạo động lực phát triển nền kinh tế.

Trong năm 2023, NHNN đã liên tục 4 lần giảm lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường. Đồng thời với việc giảm lãi suất, NHNN cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đến nay đầu năm 2024, lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay của các giao dịch phát sinh mới của NHTM giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022.

Cũng nằm trong mục tiêu thúc đẩy tín dụng, thời gian qua, NHNN đã tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cho vay, đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt hồ sơ vay, đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn quốc; gia tăng các chương trình, sản phẩm tín dụng đặc thù, ưu đãi..., tạo điều kiện thuận lợi hơn để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Nhiều động thái thực hiện cùng lúc của NHNN có những giai đoạn chưa bộc lộ rõ rệt hiệu quả sau khi chính sách được thực thi. Chẳng hạn như sau lần giảm lãi suất điều hành gần nhất của NHNN diễn ra từ tháng 6/2023, tăng trưởng tín dụng các tháng sau đó vẫn khá chậm chạm.

Tuy nhiên, từ tháng cuối cùng của năm 2023, những diễn biến thị trường cho thấy các chính sách được thực thi trước đó đã có dấu hiệu “ngấm” vào nền kinh tế, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 vẫn đạt 13,71%. Con số tương ứng với quy mô khoảng 1,5 triệu tỷ đồng đã được bơm vào nền kinh tế thông qua hệ thống ngân hàng.

Sẽ có thêm 2 triệu tỷ đồng nữa

Sau bối cảnh đã diễn ra trong năm 2023, những động thái đầu năm 2024 cho thấy, NHNN cũng chưa chuyển hướng trong quan điểm điều hành chính sách tiền tệ. Năm 2024, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 15%.

Hy vọng nhu cầu đầu tư sẽ gia tăng trong năm 2024
Bắt mạch các kịch bản lạm phát nửa đầu năm 2024



"Năm 2024 cho thấy có nhiều dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế trên cơ sở các kết quả đạt được của năm 2023. Hy vọng rằng, nền kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ không còn chịu tác động tiêu cực của quốc tế như đã diễn ra trong năm 2023, theo đó, nhu cầu đầu tư của nền kinh tế sẽ tăng lên và tất yếu phải có nguồn lực đáp ứng cho nhu cầu đầu tư, phát triển đó.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Tại Hội nghị tổng kết ngành ngân hàng diễn ra vào tháng 01/2024, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN - cho biết, nếu điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, cho phép kiểm soát tốt lạm phát, đảm bảo dòng vốn vào đúng đối tượng cần thiết, cũng như an toàn hệ thống tín dụng được giữ vững thì giữa năm hoặc cuối năm, NHNN có thể mở rộng tín dụng, giao thêm hạn mức cho các ngân hàng thương mại.

Theo đó, nếu tính toán dựa trên dư nợ hiện nay khoảng 13,56 triệu tỷ đồng thì có nghĩa là gần 2 triệu tỷ đồng sẽ đưa thêm vào nền kinh tế vào năm 2024 nếu tăng trưởng tín dụng thực tế như dự kiến đặt ra.

Trong bối cảnh dòng tiền khá dồi dào như hiện nay, thời gian gần đây cũng có những ý kiến bắt đầu tỏ ra lo ngại về khả năng lạm phát có thể quay trở lại nếu việc kiểm soát dòng tiền không tốt, hoặc quá trình sử dụng vốn kém hiệu quả.

PGS,TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng Bộ môn Thị trường tài chính thuộc Đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh - cho biết, việc NHNN thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng kéo dài thì “phản ứng phụ” của nó thông thường chính là yếu tố lạm phát. Tuy nhiên, theo ông Huân, áp lực lạm phát nếu có thì cũng sẽ phải có độ trễ và phải từ đầu quý II mới có thể có những biểu hiện rõ ràng.

Hiện nay, một trong những yếu tố được kỳ vọng có thể “hấp thụ” ảnh hưởng của lạm phát chính là khả năng phục hồi sản xuất của nền kinh tế. Theo đó, dòng vốn bơm vào nền kinh tế được các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả, chuyển hóa thành các sản phẩm hàng hóa dịch vụ đáp ứng đúng các nhu cầu trong và ngoài nước sẽ góp phần tạo nên sự cân bằng cần thiết cho nền kinh tế. Những kỳ vọng này cũng có thể có căn cứ, bởi thời gian gần đây một số chuyên gia cũng đưa các dự báo kinh tế khá lạc quan về khả năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm 2024.

Ông Tim Leelahaphan - Chuyên gia kinh tế Việt Nam và Thái Lan, Ngân hàng Standard Chartered dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 6,7% trong năm 2024. Trong đó, tăng trưởng sẽ tăng dần về cuối năm với dự báo nửa đầu năm đạt khoảng 6,2% (so với cùng kỳ) và nửa cuối năm sẽ đạt tới 6,9%./.

Cùng chuyên mục
Bắt mạch các kịch bản lạm phát nửa đầu năm 2024