Quốc hội thống nhất áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

(BKTO) - Sáng 18/1, với 455 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,29%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).

180120240910-mtqg4.jpg
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG. Ảnh: VPQH

Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết, tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Nghị quyết; hồ sơ đảm bảo theo quy định của pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp này.

Về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm (khoản 1), có ý kiến đề nghị tại điểm c, nêu rõ “trong trường hợp cần thiết HĐND tỉnh phân cấp cho cấp huyện…”, cần cụ thể để thực hiện. Có ý kiến cho rằng, HĐND tỉnh chỉ giao tổng vốn cho cấp huyện, việc phân bổ chi tiết các dự án, tiểu dự án thành phần nên giao cho cấp huyện để chủ động, linh hoạt điều chỉnh các dự án, tiểu dự án.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thấy rằng, ý kiến của đại biểu là xác đáng và tiếp thu tại điểm c như sau: “HĐND cấp tỉnh quyết định, hoặc phân cấp cho HĐND cấp huyện phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần”.

Về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, có ý kiến cho rằng, cần phân cấp cho địa phương được quyền điều chỉnh dự toán, kế hoạch giữa các chương trình và giữa vốn sự nghiệp với vốn đầu tư nhưng phải có nguyên tắc để đảm bảo các mục tiêu chung của chương trình.

UBTVQH thống nhất với quan điểm của Chính phủ. Theo đó, việc cho phép điều chỉnh cả 3 chương trình sẽ phá vỡ cơ cấu các chương trình, phát sinh thêm nhiều thủ tục, khó đạt mục tiêu và có thể dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong khi thời gian thực hiện chỉ còn 02 năm,. Do vậy, UBTVQH xin được giữ như nội dung Dự thảo Nghị quyết.

Liên quan đến việc ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định UBND được quyền điều chỉnh các quy định do HĐND tỉnh đã ban hành, như vậy chưa đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

UBTVQH nhận thấy, ý kiến tham gia là phù hợp và tiếp thu, điều chỉnh theo hướng, Quốc hội cho phép UBND cấp tỉnh báo cáo với Thường trực HĐND cho phép điều chỉnh, báo cáo lại HĐND ở kỳ họp gần nhất để tạo sự linh hoạt, kịp thời cho địa phương.

UBTVQH cũng tiếp thu, chỉnh lý khoản 4 Dự thảo Nghị quyết về sử dụng NSNN trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa cho hoạt động phát triển sản xuất (khoản 4).

Về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (khoản 5), đa số ý kiến thống nhất không áp dụng quy định quản lý tài sản công đối với tài sản có vốn hỗ trợ từ NSNN dưới 500 triệu, đồng thời đề nghị cần làm rõ cơ sở xác định mức dưới 500 triệu và cần phải có nguyên tắc, cơ chế quản lý đối với các tài sản có giá trị từ 500 triệu trở lên.

UBTVQH thấy rằng, cơ sở để đề xuất mức dưới 500 triệu không áp dụng quy định quản lý tài sản công đã được Chính phủ giải trình làm rõ trong Tờ trình số 13/TTr-CP ngày 12/01/2024. Việc xác định dựa trên cơ sở tham khảo mức giá trị tài sản theo quy định về xác định giá trị tài sản, vật tư, vật liệu trong quá trình tổ chức thanh lý tài sản công quy định tại Điều 31 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 và quy định về giá trị tài sản lớn của một số Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Đối với việc quản lý, hỗ trợ đối với tài sản có giá trị từ 500 triệu, UBTVQH tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, sửa đổi, bổ sung vào điểm b của Nghị quyết: “Đối với tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, có vốn hỗ trợ tối đa không quá 20% giá trị tài sản và không vượt quá tổng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo từng dự án cụ thể được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (khoản 7), tiếp thu ý kiến của đại biểu, UBVQH đã thể hiện tại điểm a, khoản 7 Dự thảo Nghị quyết. Theo đó, UBND cấp tỉnh quyết định giao nhiệm vụ cho cấp huyện được lựa chọn thí điểm. Đồng thời, giao HĐND tỉnh căn cứ tình hình thực tiễn để quyết định lựa chọn không quá 02 huyện thực hiện thí điểm.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành ngay sau khi được Quốc hội thông qua.

 Cũng trong phiên họp sáng 18/1, với 94,52% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Dự thảo Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Cùng chuyên mục
Quốc hội thống nhất áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia