Những điểm tích cực, hạn chế trong “bức tranh” lao động việc làm

(BKTO) - Theo Tổng cục Thống kê, tình hình lao động, việc làm có nhiều dấu hiệu khởi sắc khi lao động có việc làm và thu nhập bình quân của người lao động tăng, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm. Tuy nhiên, cùng với những điểm tích cực của thị trường lao động Việt Nam năm 2023, cũng có tới 5 điểm hạn chế cần quan tâm, cải thiện trong thời gian tới.

16.jpg
Thu nhập bình quân của người lao động trong ngành khai khoáng năm 2023 là 10,3 triệu đồng/tháng. Ảnh minh họa

Ghi nhận nhiều điểm sáng tích cực

Nhìn vào “bức tranh” thị trường lao động năm 2023, điểm tích cực được ghi nhận là lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,4 triệu người, cao hơn 666,5 triệu người so với năm trước. Trong đó, lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 19,5 triệu người, chiếm 37,3%, khu vực nông thôn là 32,9 triệu người, chiếm 62,7%; lực lượng lao động nữ đạt 24,5 triệu người, chiếm 46,7%; lực lượng lao động nam đạt 27,9 triệu người, chiếm 53,3%.

Cùng với số người trong độ tuổi lao động tăng thì số lao động có việc làm cũng tăng thêm tăng 683.000 người, nâng số người trong độ tuổi lao động có việc làm đạt 51,3 triệu người, tăng 1,35% so với năm 2022. Số lao động có việc làm ghi nhận tăng ở cả khu vực thành thị và nông thôn, ở cả nam giới và nữ giới.

Nếu phân theo khu vực kinh tế, trong khi lao động có việc làm khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm 118.900 người so với năm trước, khiến tổng số lao động ở khu vực này là 13,8 triệu người, thì lao động có việc làm khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 248.200 người (lên thành 17,2 triệu người) và khu vực dịch vụ tăng 553.600 người (lên thành 20,3 triệu người). Như vậy, lao động trong khu vực dịch vụ tăng cao nhất (2,8%) so với hai khu vực còn lại.

Năm 2023 cũng ghi nhận tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 27%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm trước. Tuy vậy, tính đến cuối năm 2023, cả nước vẫn còn 38 triệu lao động chưa qua đào tạo.

Thu nhập bình quân của người lao động năm 2023 là 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 6,9%, tương ứng tăng 459.000 đồng so với năm 2022. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đánh giá, những lao động làm việc trong một số ngành kinh tế được ghi nhận có tốc độ tăng thu nhập bình quân khá so với năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong ngành khai khoáng là 10,3 triệu đồng; ngành dịch vụ lưu trú ăn uống là 6,8 triệu đồng; ngành vận tải kho bãi là 9,8 triệu đồng; ngành bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy là 8,3 triệu đồng; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 4,1 triệu đồng. Còn thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương là 8 triệu đồng/tháng, tăng 5,8%, tương ứng tăng khoảng 433.000 đồng so với năm trước.

Theo các chuyên gia, dịp cuối năm, các doanh nghiệp thường đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì thế, nhu cầu tuyển dụng thường tăng, tạo cơ hội để thị trường có thêm những việc làm mới, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Năm 2023, cả nước có gần 1,07 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, giảm 14.600 người so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2023 là 2,28%, giảm 0,06 điểm phần trăm so với năm trước. Như vậy, việc triển khai đồng bộ các giải pháp, bao gồm thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ, đã góp phần cải thiện tình hình thất nghiệp.

Cần chú trọng nâng cao chất lượng lao động

Dẫn lại con số khoảng 38 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên, lãnh đạo Tổng cục Thống kê nêu rõ, điểm hạn chế đầu tiên phải kể đến là chất lượng, cung lao động còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Con số này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động. Do đó, việc xây dựng các chính sách và chương trình đào tạo cụ thể là yêu cầu rất cấp thiết trong thời gian tới - các chuyên gia thống kê khuyến nghị.

Bên cạnh đó, số người lao động đang làm việc tuy có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động chưa có sự cải thiện về chất lượng lao động khi số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước. Tính chung năm 2023, số lao động phi chính thức là 33,3 triệu người, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 64,9%, lần lượt giảm 0,9 và 1,8 điểm phần trăm so với năm 2022. Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là do sự sụt giảm đơn hàng diễn ra hơn 1 năm qua đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nói chung và thị trường lao động nói riêng, làm giảm hiệu quả của các chính sách thúc đẩy chính thức hóa lao động phi chính thức.

Từ năm 2020 đến nay, sự chuyển dịch cơ cấu ngành giữa khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ năm 2023 đã chậm lại. Nếu các năm 2020 và 2022, tỷ trọng lao động trong ngành nông nghiệp giảm lần lượt là 1 điểm và 1,6 điểm phần trăm thì đến năm 2023 chỉ giảm 0,6 điểm phần trăm.

Cùng với những hạn chế trên, vấn đề quan ngại hiện nay là tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao. Số thanh niên từ 15-24 tuổi thất nghiệp năm 2023 khoảng 437.300 người, chiếm 41,3% tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên năm 2023 là 7,63%.

Con số rất đáng lưu ý nữa là số lao động không sử dụng hết tiềm năng là 2,3 triệu người. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng năm 2023 là 4,3%. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê bình luận: Điều này phản ánh tình trạng dư cung về lao động, cũng như mức độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động trên thị trường. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng luôn tồn tại và thường tăng cao khi thị trường chịu các cú sốc về kinh tế - xã hội.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hương, đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15-34 tuổi (chiếm 49,3%), cao hơn rất nhiều so với tỷ trọng lao động nhóm tuổi này trong lực lượng lao động. Kết quả này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ./.

Cùng chuyên mục
Những điểm tích cực, hạn chế trong “bức tranh” lao động việc làm