Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

(BKTO) - Sáng 22/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), với 94,74% đại biểu Quốc hội tán thành.

bq1.jpg
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết. Ảnh: VPQH

Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) gồm 7 chương, 54 điều, có một số điểm mới so với Luật hiện hành.

Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, Luật chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung, hình thức, điều kiện của giao dịch thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Giao dịch trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) quy định Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chữ ký số theo quy định của pháp luật.

Về chữ ký điện tử, qua thảo luận, có ý kiến đề nghị bổ sung các loại hình chữ ký điện tử khác ngoài chữ ký số đáp ứng đủ các điều kiện để bảo đảm chữ ký an toàn, giá trị pháp lý.

Giải trình vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo khoản 11 Điều 3 của Dự thảo Luật, chữ ký điện tử được sử dụng để xác nhận chủ thể ký và xác nhận sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông tin trong thông điệp dữ liệu được ký và phải được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách logic với thông điệp dữ liệu thì lúc đó mới được coi là chữ ký điện tử.

Hiện nay, các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử như chữ ký scan, chữ ký hình ảnh, mật khẩu sử dụng một lần (OTP), tin nhắn (SMS)… không phải là chữ ký điện tử.

Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn triển khai nghiệp vụ trong ngành ngân hàng, hải quan… và nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử, khoản 4 Điều 22 của Dự thảo Luật đã quy định việc sử dụng các hình thức xác nhận này được thực hiện theo quy định pháp luật có liên quan.

Về việc chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại để phù hợp thực tiễn ngành ngân hàng, hải quan, tiếp thu ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội, Điều 15 đã được chỉnh lý nội dung yêu cầu chuyển đổi cần đáp ứng và giao Chính phủ quy định chi tiết, thể hiện như trong Dự thảo Luật, phù hợp với thực tiễn ngành ngân hàng, hải quan.

Đối với giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước (Chương V), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, từ Điều 43 đến Điều 47 của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) quy định cụ thể về các loại hình giao dịch điện tử, các hoạt động, trách nhiệm của cơ quan nhà nước và các quy định hỗ trợ nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử.

Luật cũng quy định các Bộ, ngành sẽ công bố dữ liệu mở của ngành, lĩnh vực của mình. Để đảm bảo tính linh hoạt, Luật giao Chính phủ quy định cụ thể, chi tiết nội dung này.

Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Cùng chuyên mục
  • Luật Đất đai phải xóa bỏ được quy hoạch treo
    10 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Chỉ ra thực trạng cư dân tại khu vực quy hoạch treo sống trong cảnh thấp thỏm, khổ sở, đại biểu Quốc hội đề nghị, sửa đổi Luật Đất đai lần này cần có những quy định xác thực, rõ ràng, khả thi để xóa bỏ tình trạng này.
  • Đảm bảo lợi ích, sinh kế của người dân khi thu hồi đất
    10 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục đề nghị làm rõ hơn quy định về cơ chế thỏa thuận, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, cũng như đảm bảo cuộc sống, sinh kế của người dân bị ảnh hưởng.
  • Xóa bỏ bất công do chênh lệch địa tô
    10 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai cần giải quyết tốt hai vấn đề về chênh lệch địa tô và giá đất - đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) nhấn mạnh khi phát biểu thảo luận về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), sáng 21/6.
  • Bảo đảm cơ sở pháp lý cho quản lý, bảo vệ tài nguyên nước
    10 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Chiều 20/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
  • Lệ phí sát hạch lái xe tăng từ ngày 1/8
    10 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Thông tư số 37/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng vừa được Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực từ ngày 01/8/2023.
Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)