Quy định chặt chẽ, tránh trục lợi, thu gom đất trồng lúa

(BKTO) - Đa số đại biểu Quốc hội tán thành quan điểm cần quản lý chặt chẽ đất trồng lúa. Đây là đề xuất của đại biểu Quốc hội khi góp ý hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi), nhằm bảo đảm cho công tác quản lý đất trồng lúa nghiêm ngặt, chặt chẽ.

031120230934-nguyen-huu-chinh.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 thiết kế 03 phương án liên quan đến điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

Phương án 1: Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa trong mọi trường hợp.

Phương án 2: Không giới hạn về điều kiện. Chính phủ đề xuất theo hướng này tại Báo cáo số 589/BC-CP.

Phương án 3: Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức theo quy định tại khoản 1 Điều 177.

Tại phiên thảo luận, quy định này tiếp tục được các đại biểu thảo luận, tranh luận với những quan điểm khác nhau.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn TP. Hà Nội) tán thành với phương án 1; theo đó quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa (trừ trường hợp tặng cho cho người thuộc hàng thừa kế) thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa theo quy định tại khoản 6 Điều này.

Đại biểu cho rằng, quy định theo hướng này sẽ bảo đảm cho công tác quản lý đất trồng lúa nghiêm ngặt, chặt chẽ, tránh trường hợp cá nhân trục lợi, thu gom đất trồng lúa nhằm tích trữ, đầu cơ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng, cả nước nói chung.

Bên cạnh đó, để đáp ứng điều kiện nhận chuyển nhượng, cá nhân không trực tiếp sản xuất phải có phương án sử dụng đất và lên kế hoạch sử dụng đất trồng lúa là phù hợp với điều kiện hiện nay, tránh tình trạng không quản lý được quỹ đất.

Tranh luận với đại biểu Nguyễn Hữu Chính, đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Đoàn Bình Thuận) cho rằng quy định như phương án 1 và phương án 3 không đảm bảo quyền bình đẳng của công dân trong tiếp cận nguồn đất đai.

Theo đại biểu, trên thực tế, nhiều trường hợp không sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn có nhu cầu sử dụng đất trồng lúa, như trường hợp mua đất trồng lúa để sản xuất lúa cho tiêu dùng gia đình. Do đó, đại biểu cho rằng không nên hạn chế quyền này.

Trong khi đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) lại bày tỏ tán thành với phương án 3 với lý do việc không giới hạn về điều kiện sẽ rất khó quản lý, dễ phát sinh những vấn đề không mong muốn.

viet-nga.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Cũng bày tỏ tán thành với phương án 3, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, so với phương án 1 thì quy định của phương án 3 cởi mở hơn và tạo cơ chế thuận lợi hơn cho việc phát triển trồng lúa quy mô lớn. Phương án này không bắt buộc cá nhân nhận chuyển nhượng, tặng, cho đất trồng lúa phải thành lập tổ chức kinh tế khi diện tích nhận chuyển nhượng, tặng, cho không quá hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định. Điều này sẽ giảm bớt các thủ tục hành chính, chi phí đối với cá nhân chuyển nhượng.

Mặt khác, phương án 3 cũng hạn chế sự tích tụ đầu cơ đất trồng lúa quá lớn của những đối tượng không sản xuất thực sự trên đất trồng lúa bằng việc giới hạn nếu nhận chuyển nhượng, tặng đất trồng lúa quá hạn mức quy định phải thành lập tổ chức kinh tế. Điều này góp phần đảm bảo diện tích đất trồng lúa và đảm bảo phát huy khai thác hiệu quả giá trị của đất trồng lúa.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) nhận xét, phương án 3 dung hòa được cả hai yếu tố, vừa bảo đảm được công tác kiểm soát, tránh việc lợi dụng chính sách để đầu cơ đất nông nghiệp; vừa khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và tạo cơ hội cơ sở cho việc sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn.

Thay mặt cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo giải trình làm rõ thêm nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, vấn đề này cũng cần nghiên cứu thêm. "Mở và không giới hạn thì chúng ta sẽ quản lý đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực như thế nào?" - ông Thanh nêu vấn đề.

Cùng chuyên mục
Quy định chặt chẽ, tránh trục lợi, thu gom đất trồng lúa