Doanh nghiệp tư phải được kiểm toán để phòng, chống tham nhũng
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng, chống tham nhũng (PCTN) ra khu vực ngoài nhà nước trong giai đoạn hiện nay là cần thiết. Vì trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang làm ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước và hiệu quả công tác PCTN.
Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước cũng phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; đồng bộ với Bộ luật Hình sự đã mở rộng quy định xử lý đối với một số tội phạm về tham nhũng trong mọi tổ chức, DN ngoài nhà nước; phù hợp với yêu cầu của Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, do việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật ra khu vực ngoài nhà nước là vấn đề mới, nên trước mắt Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý theo hướng: quy định cụ thể hơn một số biện pháp PCTN như công khai, minh bạch tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích, chế độ trách nhiệm của người đứng đầu. Các biện pháp này được áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội vì đây là các DN, tổ chức có huy động vốn đóng góp của nhiều cổ đông, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế hoặc có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.
Quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được đa số các đại biểu Quốc hội tán thành. Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), ngoài việc phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc mà Việt Nam tham gia, việc mở rộng phạm vi PCTN ra khu vực ngoài nhà nước sẽ phù hợp với thực tiễn xã hội, với nguyện vọng của cử tri trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường hiện nay thì rất cần thiết. Thực tế, thời gian qua, không ít DN ngoài nhà nước cũng bị thanh tra, kiểm toán do liên quan đến đấu thầu như thầu bán tài sản, nguồn kinh phí từ các chương trình dự án của Nhà nước.
Cũng đồng tình với việc mở rộng phạm vi PCTN ra khu vực ngoài nhà nước song đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) không đồng tình với đối tượng PCTN ở khu vực tư là các DN đại chúng, vì những đơn vị này đã có rất đông cổ đông kiểm soát, phải niêm yếu thông tin công khai trên thị trường chứng khoán nên khó có thể có những hành vi tham nhũng ở đây. Theo đại biểu Cường, đối tượng khu vực tư hiện nay đang tiếp tay cho tham nhũng ở khu vực công đó là “DN sân sau”- là đối tượng chính cần kiểm soát nhưng trong Dự thảo Luật này không đề cập đến. “Tôi đề nghị những DN tư có quan hệ về kinh tế, cung cấp, mua bán tài sản, cung cấp dịch vụ cho khu vực công thì phải kiểm soát tham nhũng bằng hình thức kiểm toán công khai tài chính 3 năm, năm trước, năm sau và năm có nảy sinh giao dịch, quan hệ mua bán đó”- đại biểu Cường đề xuất và cho rằng, như vậy, kiểm soát đối tượng này như minh bạch của DNNN.
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu ý kiến - Ảnh: quochoi.vn |
Xử lý tài sản bất minh - những ý kiến trái chiều
Liên quan đến quy định về xử lý đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Để tạo bước tiến mới và nâng cao hiệu quả trong công tác PCTN, phù hợp với xu thế chung của quốc tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, quy định trong Dự thảo Luật việc xử lý đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc.
Qua cân nhắc kỹ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lựa chọn phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc qua thủ tục tố tụng tại Tòa án, vì đây là phương án có nhiều ưu điểm hơn so với hai phương án còn lại.
Tuy nhiên, thảo luận về quy định này, các đại biểu Quốc hội vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều nhau. Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Kom Tum) cho rằng, nếu phương án giải quyết tại Tòa án được thông qua thì vấn đề chứng minh tài sản hợp pháp hay không hợp pháp cần phải được làm rõ để quy định được triển khai khả thi trên thực tế. "Người có nghĩa vụ kê khai phải có trách nhiệm giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập, nhưng cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cho rằng không hợp lý thì đưa ra Tòa. Vậy lúc này trách nhiệm chứng minh là trách nhiệm của Tòa. Vậy liệu Tòa có thực hiện được nhiệm vụ chứng minh điều này, có quá tải hay không?" - Đại biểu Tám đặt câu hỏi và cho rằng, nếu không giải quyết được vấn đề trên thì nên tính các phương án khác.
Đại biểu Tô Văn Tám phát biểu ý kiến- Ảnh: quochoi.vn |
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, cần quy định rõ về những tài sản không kê khai. Không kê khai tức là cố tình che giấu, gian dối thì phải xử lý thật nghiêm khắc, thậm chí là tịch thu và xử lý kể cả về mặt hành chính.
Đối với tài sản kê khai không chứng minh được nguồn gốc nhưng cơ quan quản lý cũng không kết luận được đó là tài sản bất minh thì phải chuyển tài sản đó cho cơ quan điều tra để điều tra dấu hiệu bất minh đó. Còn trường hợp cơ quan quản lý cũng không phát hiện ra dấu hiệu bất minh thì tôi cho rằng tài sản này sẽ chuyển qua cơ quan thuế để thu thuế. Đại biểu cho rằng, phương án này là tương đối khả thi, phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay.
Đại biểu Quốc hội Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) đề nghị áp dụng theo phương án thu thuế thu nhập cá nhân đối với các tài sản bất mình, vì như vậy sẽ xử lý nhanh, kịp thời tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc bằng công cụ kinh tế, hạn chế được tâm lý nặng nề đối với người có nghĩa vụ kê khai so với việc xử lý thông qua con đường tòa án. Hơn nữa, việc thu thuế cũng không loại trừ xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản của người có nghĩa vụ kê khai nếu sau đó Nhà nước chứng minh được tài sản này do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) không đồng ý với cả 2 phương án giải quyết tại Tòa và thu thuế thu nhập cá nhân do cả 2 phương án đều chưa đủ cơ sở pháp lý, thực tiễn. Theo đại biểu, tài sản nghi ngờ do tham nhũng mà có thì hoàn toàn có thể đưa vào điều tra. Nếu điều tra chứng minh là tài sản tham nhũng thì thu hồi toàn bộ. Đạo luật này chủ yếu hướng đến phòng chứ không phải xử lý các vấn đề về nghiệp vụ. Nếu xử lý về nghiệp vụ thì pháp luật hiện hành đã có biện pháp về hành chính, về tổ chức cán bộ, xử lý hình sự" - đại biểu Nhưỡng phân tích và đề nghị Dự thảo Luật nên giữ nguyên quy định hiện hành.
Ý kiến của các đại biểu sẽ được Ủy ban Tư pháp phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan và các đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét thông qua tại cuối kỳ họp này.
Đ. KHOA