Cần quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ quan thu để chống thất thu ngân sách

(BKTO) - Đây là vấn đề được các đại biểu Quốc hội sôi nổi tại phiên thảo luận tổ sáng 24/10, trước thực trạng trốn thuế, thất thu ngân sách lớn.



Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) nêu thực tế, tình trạng nợ thuế, thất thu thuế tập trung nhiều ở khu vực ngoài quốc doanh. Đại biểu dẫn chứng, chỉ trong năm 2017, KTNN chỉ đối chiếu thuế của 2.344 DN đã thu về tăng thêm 1.351 tỷ đồng và làm rõ, truy thu 446 tỷ đồng. “Đây mới chỉ là con số của KTNN, chưa nói đến số liệu của thanh tra chuyên ngành. Rõ ràng đây là con số cảnh báo tình trạng thất thu thuế, mất nguồn thu”- đại biểu Hùng nói.

Làm rõ thêm vấn đề này, Đại biểu Quốc hội,Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay, KTNN thực hiện đối chiếu theo xác suất, lựa chọn mẫu, không trực tiếp kiểm toán vào các đơn vị tư nhân mà chỉ căn cứ vào hồ sơ thuế khi kiểm toán cơ quan thuế. Tính trên số hồ sơ mà KTNN chọn thì trên 94% là thất thu ngân sách.

KTNN cũng đã đưa vào kiểm toán chuyên đề kiểm toán hoàn Thuế Giá trị gia tăng tại 19 tỉnh, thành phố. Qua kiểm toán cho thấy, trong số hơn 100 nghìn tỷ đồng tiền Thuế Giá trị gia tăng phải hoàn trong năm 2017, KTNN phát hiện ra sai phạm gần 1.400 tỷ đồng, trong đó có tình trạng hoàn thuế không đúng quy định của Nhà nước. Chẳng hạn, dự án BT là dự án đầu tư công không được hoàn Thuế Giá trị gia tăng nhưng vẫn thực hiện hoàn thuế. KTNN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, làm rõ vấn đề này. Như vậy, có thể thấy thất thu là rất lớn.
                
   

Đại biểu Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 24/10- Ảnh: Nguyễn Tuấn

   
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, trong thu thuế, không cần đặt ra nhiều sắc thuế mà tập trung quản lý thu cho tốt, đặc biệt là thu thuế đối với những tập đoàn kinh tế lớn, những DN có vốn đầu tư nước ngoài để tạo sự bình đẳng, minh bạch trong môi trường đầu tư. Nếu làm được như vậy, sẽ giải quyết được vấn đề giảm bội chi NSNN.

Cũng theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, hiện nay, công tác quản lý thuế rất lỏng lẻo, không gắn trách nhiệm của cơ quan thuế vào việc thu thuế. Bởi vì Luật thuế của chúng ta quy định là DN tự kê khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm, cơ quan thuế chỉ kiểm tra theo xác suất rủi ro nên bỏ sót rất nhiều. Thực tế hiện nay trong 100 DN thì cơ quan thuế chỉ kiểm tra được khoảng 18 đơn vị, còn 82 đơn vị gần như không ai kiểm tra. Vì vậy, Tổng Kiểm toán Nhà nước kiến nghị phải gắn trách nhiệm của cơ quan thu để nâng cao trách nhiệm.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, trong Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã có quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Nghĩa là nếu anh đã thanh tra, kiểm toán mà không phát hiện sai phạm, sau đó người khác phát hiện ra sai phạm về cùng một nội dung thì anh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vì vậy, trong thu thuế cũng phải gắn trách nhiệm của cơ quan thu vào trách nhiệm để lọt nguồn thu. Cả ngành thuế 46 nghìn cán bộ mà chỉ kiểm tra hậu kiểm được 18% thì rất dễ xảy ra sơ hở. Trong thu ngân sách, chúng ta nuôi dưỡng nguồn thu nhưng cũng cần phải đảm bảo được sự công bằng và minh bạch- Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, đây là vấn đề được đại biểu Quốc hội nhiều nhiệm kỳ quan tâm. Một điều rất quan trọng là trách nhiệm của các cơ quan thu như thế nào. “Khi kiểm toán, KTNN phát hiện ra các vụ việc sai phạm, nghĩa là đã thấy được những sơ hở dễ bị lợi dụng. Vì vậy, tôi đề nghị KTNN phải góp phần đề xuất các cơ chế sửa đổi pháp luật để đảm bảo cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong vấn đề này phải được kiểm soát chặt chẽ”- đại biểu Trương Thị Mai nói.

Cùng tham gia ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, khoảng 10 năm trước đây chúng ta thực hiện tiền kiểm sau đó lại chuyển sang hậu kiểm và thời gian gần đây là kiểm tra theo xác suất. Vì thế tỷ lệ kiểm tra rất ít, phần còn lại chưa kiểm tra thì còn khá nhiều vi phạm trong đó. Đại biểu Lê Thị Nga cũng bày tỏ đồng tình với quan điểm cần có quy định để gắn trách nhiệm của cơ quan thu vì tình trạng trốn thuế là khá lớn.
Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
  • Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng 24/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng.
  • Khắc phục bất cập, chú trọng đến chất lượng tăng trưởng
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Chiều 23/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016- 2020; kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2019; Kết quả thực hiện dự toán NSNN 2018; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính- NSNN 3 năm quốc gia 2019- 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017; Đánh giá giữa kỳ về việc thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
  • Tập trung sửa đổi, bổ sung 3 nhóm chính sách trong Luật Đầu tư công
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều 23/10, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Theo tờ trình của Chính, việc sửa đổi, bổ sung Dự án Luật lần này tập trung vào các quy định liên quan đến 3 nhóm chính sách chủ yếu nhằm “gỡ” những vướng mắc, tồn tại của Luật Đầu tư công hiện hành.
  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đắc cử chức vụ Chủ tịch nước
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều 23/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã công bố kết quả bầu Chủ tịch nước. Với đa số phiếu tán thành, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính thức được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021.
  • Lồng ghép nguồn vốn, ưu tiên nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 (Nghị quyết 100), Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội kiến nghị Quốc hội tiếp tục bố trí kinh phí để thực hiện 2 Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trong 2 năm còn lại (2018- 2019); đồng thời đề nghị Chính phủ tính toán khả năng nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn để ưu tiên nguồn lực nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 100 trong 2 năm cuối.
Cần quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ quan thu để chống thất thu ngân sách