Quy hoạch là công cụ nền tảng để định hướng phát triển đô thị

(BKTO) - Ngày 30/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 phổ biến Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

9.jpg
Quang cảnh Hội nghị tại Trụ sở Chính phủ. Ảnh: Chính phủ

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã trình bày nội dung cơ bản trong Chương trình hành động của Chính phủ; lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã trình bày các tham luận về xây dựng và hoàn thiện chính quyền đô thị; phát triển hạ tầng giao thông đô thị; xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị và định hướng đô thị hóa; các vấn đề đặt ra, tác động của biến đổi khí hậu tới phát triển đô thị; xây dựng đô thị thông minh…

Hội nghị cũng nghe ý kiến của đại diện các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc, với cam kết đồng hành, hỗ trợ, ủng hộ Việt Nam trong quá trình thực hiện chương trình nghị sự đô thị mới.

Nhiều thách thức cần vượt qua

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Hội nghị được tổ chức trong dịp Ngày Đô thị Việt Nam và Ngày Đô thị hóa thế giới (8/11), cả nước tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ năm 2022, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết chuyên đề của Trung ương.

Hội nghị thể hiện tinh thần được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh là “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích về vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của đô thị để các cấp, các ngành có nhận thức đúng tầm, hành động phù hợp, hiệu quả theo tinh thần phát triển đô thị là một động lực phát triển, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Hiện nay đô thị chỉ chiếm một diện tích nhỏ, nhưng có đóng góp quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ đời sống kinh tế xã hội của quốc gia, đô thị và đến sự phát triển của con người.

Tại Việt Nam, các đô thị đang đóng góp đến 70% GDP cả nước, 5 thành phố trực thuộc Trung ương mặc dù chỉ chiếm 2,9% về diện tích và khoảng 22% về dân số nhưng năm 2020 đã đóng góp tới 46,8% GDP cả nước.

Về chủ trương, chính sách phát triển đô thị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển đô thị theo xu thế thế giới và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Các ý kiến tại Hội nghị thống nhất đánh giá, sau hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Đô thị hoá và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12-15%, cao gấp 1,5-2 lần so với mặt bằng chung cả nước. Các đô thị đã đóng góp quan trọng trong giải quyết việc làm, tăng phúc lợi xã hội, tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.

Đô thị hóa là xu thế tất yếu khách quan của thế giới, nhưng nếu phát triển đô thị không đúng hướng, không chuẩn mực, không bài bản sẽ dẫn tới nhiều hậu quả. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Đồng tình với các đánh giá nói trên, song Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ, sau hơn 10 năm thực hiện điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam, bên cạnh nhiều kết quả đạt được rất quan trọng, đô thị Việt Nam cũng còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc còn tồn tại và các thách thức cần vượt qua như: quá tải hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thiếu nhà ở xã hội, tác động, rủi ro từ biến đổi khí hậu, nhất là ngập lụt, phát thải khí nhà kính, hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục, văn hóa) chưa phát triển ngang tầm kinh tế…

8.jpg
Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung phát triển hạ tầng chiến lược theo 3 đột phá chiến lược. Ảnh: Chính phủ

5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp

Thủ tướng nhấn mạnh, chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 33 nhiệm vụ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp, mà trước hết là nhóm nhiệm vụ nâng cao, thống nhất nhận thức về đặc thù của đô thị, vai trò, vị thế của đô thị trong sự phát triển chung, xác định phát triển đô thị gồm 3 trụ cột chính là quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị.

Thứ hai là nhóm nhiệm vụ nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị; nâng cao năng lực trong các khâu xây dựng, thẩm định và phê duyệt quy hoạch. “Quy hoạch là công cụ nền tảng để định hướng phát triển đô thị” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thứ ba là nhóm nhiệm vụ về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại trên cơ sở huy động mạnh mẽ các nguồn lực, có cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài, giữa nguồn lực Nhà nước với các nguồn lực xã hội; đồng thời tiết kiệm, tăng thu, giảm chi, phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung phát triển hạ tầng chiến lược theo 3 đột phá chiến lược đã được xác định, nhất là hạ tầng giao thông, từ đó tạo không gian phát triển mới, các khu đô thị, dịch vụ mới, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.

Thứ tư là nhóm thực hiện song song các nhiệm vụ, đề án theo chuyên ngành riêng. Vì phát triển đô thị không phải là nhiệm vụ của riêng ngành xây dựng, đô thị là không gian chung dành cho tất cả mọi người và là mắt xích quan trọng kết nối các ngành, lĩnh vực khác nhau.

Thứ năm là nhóm nhiệm vụ về xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, văn bản pháp luật, phát hiện các vướng mắc và phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, nếu cần thiết thì làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính quyền đô thị./.

Cùng chuyên mục
Quy hoạch là công cụ nền tảng để định hướng phát triển đô thị