Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, Lai Châu là tỉnh sớm xây dựng, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để trình Hội đồng thẩm định xem xét.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng đánh giá cao sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Lai Châu, cũng như sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng quy hoạch với mục tiêu để tỉnh Lai Châu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, bố trí không gian phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, giúp tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng cho biết, tỉnh Lai Châu luôn xác định nhiệm vụ lập quy hoạch có ý nghĩa quan trọng, giúp tỉnh có tầm nhìn xa hơn.
Tuy nhiên, khó khăn của tỉnh là diện tích rộng nhưng 90% có độ dốc từ 25 độ trở lên nên diện tích đất phát triển kinh tế - xã hội rất khó khăn; mật độ dân số thấp nhất cả nước, gần 52 người/km2, không có đường sắt, đường thủy, chỉ có đường bộ độc đạo. Ngoài dân số thấp, Lai Châu là tỉnh có tỷ lệ đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 85%.
Với những khó khăn này, việc lập quy hoạch có tầm nhìn sẽ giúp phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, xây dựng Lai Châu phát triển xanh, nhanh, bền vững và toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển trung bình của vùng trung du và miền núi Bắc bộ.
Đến năm 2050 là tỉnh biên giới xanh, văn minh, giàu bản sắc văn hóa, phát triển toàn diện, bền vững; kết cấu hạ tầng nông thôn được hiện đại hóa, đạt đầy đủ các tiêu chí của nông thôn mới, trở thành tỉnh thuộc nhóm phát triển khá của vùng trung du và miền núi Bắc bộ.
Trình bày báo cáo tóm tắt quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Phạm Ngọc Phương - Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Lai Châu cho biết, quy hoạch tỉnh Lai Châu đưa ra các trọng tâm phát triển: một trục - hai vùng - ba trụ cột.
Những khâu đột phá chiến lược của tỉnh gồm: tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế.
Đồng thời thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Các đại biểu đánh giá, Hồ sơ quy hoạch tỉnh Lai Châu được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, tuân thủ các quy định, đáp ứng yêu cầu đề ra, tuy nhiên cần tiếp tục rà soát bố cục, kết cấu. Về quan điểm, mục tiêu lựa chọn phương án phát triển cần bổ sung rõ hơn quan điểm về không gian; đánh giá thực trạng, phân bổ không gian của tỉnh cũng như của ngành; phân bổ nguồn lực (vốn, đất đai), dự án triển khai.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bổ sung quan điểm bảo vệ khai thác rừng, phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn; thống nhất kịch bản lựa chọn, luận giải các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến thủy điện, đặc biệt là thủy điện vừa và nhỏ.
Về phương hướng phát triển các ngành quan trọng, cần luận giải tính khả thi; bổ sung phương án khu vực khuyến khích và hạn chế phát triển; đề xuất cơ chế liên vùng liên huyện, vùng kinh tế sinh thái.
Về hệ thống đô thị, cần nghiên cứu để gắn dịch vụ du lịch với hành lang các tỉnh lân cận; bổ sung phương án các khu chức năng, các khu, điểm du lịch; chỉnh sửa hoàn thiện, bố trí sắp xếp, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; phương án phát triển khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn…
Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ thêm về lĩnh vực kinh tế; du lịch, văn hóa; việc làm, an sinh xã hội; tài nguyên khoáng sản; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai…
Tại phiên họp, với kết quả 100% phiếu đồng ý, Hội đồng thẩm định đã thông qua quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung.
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, quy hoạch được tiến hành lập đúng quy định; hồ sơ cơ bản đầy đủ; nội dung cơ bản đáp ứng yêu cầu, phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nội dung quy hoạch cũng đã cơ bản xem xét đến tính hợp lý, logic giữa các nội dung đề xuất, các tích hợp hướng đến mục tiêu phát triển hài hòa. Tuy nhiên, tỉnh Lai Châu cần tiếp thu, giải trình các ý kiến để hoàn thiện hồ sơ đạt chất lượng cao nhất - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu yêu cầu.