Tỷ lệ giải ngân cao nhưng vẫn chậm so với kế hoạch
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) Bùi Quang Thái cho biết, tính đến ngày 30/6/2023, Bộ GTVT ước giải ngân khoảng 35.627/95.222 tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ giao (đạt khoảng 37,4% kế hoạch năm). So với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân cao hơn cả về giá trị và tỷ lệ (gấp hơn 2 lần giá trị, tỷ lệ cao hơn 7%).
Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân của Bộ GTVT cao hơn mức trung bình của cả nước nhưng vẫn chậm so với kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký đầu năm. Giá trị giải ngân 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ tập trung vào các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 (giai đoạn 1) có kế hoạch hoàn thành trong năm 2023, thực hiện tạm ứng hợp đồng của các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2).
Khi phát hành hồ sơ mời thầu các dự án mới (kể cả đấu thầu hay chỉ định thầu), các nhà thầu chậm tiến độ đều phải gạt sang một bên. Các chủ đầu tư, ban QLDA có dự án chậm tiến độ cũng không được giao thêm dự án, kể cả các dự án đã được giao chuẩn bị đầu tư.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng
Trong đó, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 giải ngân 7.017/17.157 tỷ đồng, đạt 40,9%; đáp ứng kế hoạch giải ngân các chủ đầu tư đăng ký (7.017/6.828 tỷ đồng, đạt 103%). Tuy nhiên, vẫn có một số dự án giải ngân chậm so với kế hoạch đăng ký như: Đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn đạt 50%; Cam Lộ - La Sơn đạt 62%; Nghi Sơn - Diễn Châu đạt 75%.
Các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 giải ngân 17.448/45.474 tỷ đồng, đạt 38,4% kế hoạch năm; chậm so với kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký (17.448/21.172 tỷ đồng, đạt 82%). Các dự án trọng điểm, cấp bách giải ngân 338/1.855 tỷ đồng, đạt 18,2% kế hoạch năm; chậm so với kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký (338/624 tỷ đồng, đạt 54%).
Giải thích về nguyên nhân “trượt” tiến độ, giải ngân chưa đạt yêu cầu, một số chủ đầu tư, ban QLDA chỉ ra những thách thức trong giải phóng mặt bằng. Đơn cử, đối với 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng bị hụt kế hoạch giải ngân trong tháng 6/2023, ông Đinh Công Minh - Giám đốc Ban QLDA Thăng Long - chia sẻ, nguyên nhân là do trong quá trình giải phóng mặt bằng, công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư các khu vực đất thổ cư, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Ngoài ra, theo rà soát của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), tiến độ thi công các dự án giao thông hiện nay bị ảnh hưởng không nhỏ bởi sự thiếu hụt nguồn vật liệu, nhất là các dự án cao tốc giai đoạn 2. Đến cuối tháng 6/2023, các nhà thầu đã hoàn thiện hồ sơ và trình Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương 58/87 mỏ đất, 11/25 mỏ cát; các địa phương đã cơ bản xác nhận khối lượng khai thác 18/58 mỏ đất, 2/11 mỏ cát.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Thái cho biết, 6 tháng cuối năm, số vốn còn lại cần giải ngân là rất lớn (khoảng 59.000 tỷ đồng), trong khi hầu hết các dự án cao tốc đều mới khởi công xây dựng, giá trị sản lượng không cao. Theo kế hoạch các chủ đầu tư, ban QLDA đăng ký quý III/2023 ước giải ngân khoảng 21.281 tỷ đồng. Trong đó, ước giải ngân tháng 7 khoảng 6.815 tỷ đồng với 4 ban QLDA đăng ký kế hoạch giải ngân lớn như: 85, 2, 7, Thăng Long.
Về tình hình thực hiện các dự án trọng điểm, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) Lê Quyết Tiến cho biết, đối với công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025, hiện đã phê duyệt chủ trương đầu tư 60/64 dự án, còn lại 4 dự án chưa phê duyệt; đã phê duyệt 42/60 dự án đầu tư, còn lại 18 dự án.
Với tình hình thực hiện tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, hiện đã có 4 dự án thành phần mới thông xe đưa vào khai thác quý II/2023, các đơn vị liên quan đang tập trung thi công dứt điểm các hạng mục còn lại; 3 dự án thành phần hoàn thành năm 2023 có sản lượng đạt từ 75,67-82,4%; 2 dự án thành phần hoàn thành năm 2024 có sản lượng đạt 42,15% và 59,21%. Với các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, hiện các địa phương đã bàn giao mặt bằng khoảng 607,86/721,2 km (đạt 84,3%) và đang tiếp tục thực hiện phần khối lượng còn lại.
Để đạt mục tiêu tỷ lệ giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan hết sức tập trung nỗ lực chỉ đạo với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao nhất. “Đặc biệt, đối với một số dự án sắp khánh thành, các ban QLDA chỉ đạo các nhà thầu khắc phục khó khăn, vướng mắc, tập trung nguồn lực, máy móc… làm “3 ca, 4 kíp” để phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ đề ra” - Bộ trưởng nhấn mạnh./.
Năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 95.200 tỷ đồng. Đến nay, Bộ đã giao chi tiết cho các dự án với tổng số 95.196 tỷ đồng, đạt 99,9%. Kế hoạch vốn năm 2023 chủ yếu tập trung giao cho 12 chủ đầu tư, ban QLDA do Bộ GTVT quản lý với gần 86.800 tỷ đồng, chiếm 91% tổng số vốn; các chủ đầu tư còn lại (24 Sở GTVT, Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC và 2 trường cao đẳng) được giao 8.400 tỷ đồng, chiếm gần 9%).