Tiêu hủy hơn 5% tổng đàn lợn cả nước
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến nay, bệnh DTLCP đang xảy ra tại hơn 40 tỉnh, thành phố trên cả nước và đang có chiều hướng lây lan ra diện rộng. Tổng đàn lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là trên 1,7 triệu con, chiếm hơn 5% tổng đàn lợn cả nước. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên thành lập các đoàn công tác đến các địa phương có dịch, địa phương nguy cơ cao để kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc thực hiện các biện pháp. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch bệnh hiện gặp nhiều bất cập. Đặc biệt, vừa qua, vùng thuộc Đông và Tây Nam Bộ chưa hiểu rõ tính chất nguy hiểm của dịch bệnh nên chưa thực hiện đúng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng, chống dịch bệnh. Các hộ chăn nuôi khi phát hiện lợn có bệnh, nghi mắc bệnh không thực hiện khai báo với chính quyền địa phương và thú y cơ sở để xác minh dịch bệnh mà tự ý điều trị, vứt xác lợn ra ngoài môi trường, thậm chí còn bán rẻ cho các lò mổ lậu.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. HCM Lê Thanh Liêm cho biết, Thành phố có gần 80% lượng lợn tiêu thụ có nguồn gốc từ các tỉnh xung quanh, vì vậy, áp lực bệnh DTLCP rất lớn. Bên cạnh việc tăng tần suất hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành Thành phố và quận, huyện nhằm xử lý nghiêm việc vận chuyển, giết mổ trái phép, TP. HCM đã lập các chốt chặn kiểm dịch trên các tuyến đường nối Thành phố với các tỉnh lân cận; đồng thời kiểm soát chặt quy trình nhập lợn và giết mổ, tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển gia súc tại các trạm đầu mối giao thông. Ngoài ra, các hộ kinh doanh giết mổ cũng phải đăng ký tuyến đường vận chuyển thịt khi vào TP. HCM; thống nhất tuyến đường vận chuyển lợn xuất về Thành phố, trình phúc kiểm, tiêu độc khử trùng tại các trạm kiểm dịch động vật; tăng cường lấy mẫu lợn tại các cơ sở chăn nuôi, trạm kiểm dịch, chợ đầu mối để tầm soát dịch bệnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cho hay, tại địa phương này phát hiện dịch, không chỉ lợn bệnh mà cả lượng thức ăn chăn nuôi còn dư thừa cũng phải bị tiêu hủy. Tuy nhiên, công tác đấu tranh, vận động cũng gặp không ít khó khăn vì người dân phản đối do e ngại không đủ nguồn lực tái đàn sau này; chính quyền phải nhờ cả công an hỗ trợ cưỡng chế, điều tra, tìm kiếm ổ dịch. Thậm chí có trường hợp chống đối, cơ quan chức năng đang chuẩn bị khởi tố để làm gương.
An toàn sinh học là biện pháp duy nhất để phòng, tránh hiệu quả
Nhiều địa phương đồng tình kiến nghị, nên giao cơ chế xác định giá thị trường và giá hỗ trợ cho người chăn nuôi bị ảnh hưởng về cho các địa phương. Bởi, hiện nay, T.Ư ra giá chung một lần, thay đổi rất khó, mất nhiều thời gian. Hơn nữa, giá này không sát thực tế nên nhiều khi người chăn nuôi không tích cực hợp tác khai báo với ngành chức năng khi phát hiện dịch.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, lãnh đạo các tỉnh, thành phố có thể tham mưu, trình thường trực HĐND quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho người chăn nuôi. Tới đây, ngành nông nghiệp cũng sẽ tham mưu với Chính phủ ra cơ chế mới theo hướng cho thực hiện hệ số cộng thêm hoặc đề nghị phân cấp để địa phương tự quyết. Ông Cường cũng lưu ý, bệnh DTLCP hiện chưa có thuốc chữa, chưa có vắc xin, chỉ phòng là chính. Vì vậy, an toàn sinh học là biện pháp duy nhất để phòng tránh hiệu quả. Nếu các biện pháp an toàn sinh học không được áp dụng triệt để sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển chăn nuôi lợn, gây tổn thất lớn về kinh tế - xã hội, nhất là ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Nêu giải pháp phòng, chống DTLCP, Phó Tổng Giám đốc Sản xuất - Đào tạo trại của Tập đoàn Chăn nuôi Greenfeed Việt Nam - ông Randolph Reinecker Zoerb - cho rằng, muốn phòng, chống dịch bệnh phải đánh giá được sức khỏe đàn trong trại, giám sát vận chuyển thức ăn, vật dụng khi các phương tiện ra vào trại. Phương tiện vào trại cần qua các bước xịt rửa, khử trùng, phơi khô, đảm bảo thời gian cách ly. Ngoài vấn đề chuồng trại, cơ quan chức năng cần kiểm tra nguồn thức ăn. Đồng thời, phải nâng tầm phòng, chống DTLCP lên cấp quốc gia. Tức là xem lại việc vận chuyển từ các quốc gia, hạn chế những nguy cơ nhập khẩu từ các quốc gia đã có dịch.
Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thứ về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế DTLCP nêu rõ: Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền từ T.Ư đến địa phương coi nhiệm vụ phòng, chống, khống chế DTLCP là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách lúc này; UBND các tỉnh, thành phố đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch bệnh. Tại Văn bản số 4291/VPCP-NN, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống bệnh DTLCP, các Bộ, ngành, địa phương, bí thư các huyện, xã, thôn và chi bộ cần phải thay đổi cách thức chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch, chủ động, cụ thể và quyết liệt hơn nữa, không đợi đến khi có dịch mới triển khai công tác phòng, chống. |
LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 22 ra ngày 30-5-2019
Theo Báo Kiểm toán số 22 ra ngày 30-5-2019