Tiết kiệm năng lượng là yêu cầu bắt buộc
Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình Quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, trong đó nêu rõ mục tiêu đến năm 2025 đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2019-2025, đồng thời giảm mức tổn thất điện năng xuống dưới 6,5%. Chương trình cũng đưa ra các chỉ tiêu cụ thể về mức tiết kiệm năng lượng cho một số ngành công nghiệp trọng điểm, tiêu thụ nhiều năng lượng trong giai đoạn 2019-2025. Cụ thể, công nghiệp thép giảm từ 5 - 16,5%; công nghiệp hóa chất giảm tối thiểu 10%; công nghiệp nhựa giảm từ 21,55 - 24,81%; công nghiệp xi măng giảm tối thiểu 10,89%; công nghiệp dệt may giảm tối thiểu 6,8%; công nghiệp giấy giảm từ 9,9 - 18,48%...
Nhận thức rõ những thách thức của vấn đề sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp, Chính phủ và các Bộ, ngành đã thực hiện nhiều chương trình, hoạt động liên quan, trong đó có những chương trình được thực hiện dưới sự hợp tác, hỗ trợ của quốc tế. Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) là một minh chứng điển hình. Từ tháng 12/2017 đến nay, Dự án được Cơ quan Năng lượng Hàn Quốc và Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương Việt Nam) triển khai tích cực.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - cho biết, Dự án được thiết kế nhằm góp phần xóa bỏ các rào cản đã được nhận dạng để thúc đẩy sự phát triển của các công ty dịch vụ năng lượng, tạo môi trường thuận lợi thực hiện các dự án đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường Việt Nam. Đối tượng thụ hưởng chính của Dự án gồm các trung tâm tiết kiệm năng lượng và các công ty dịch vụ năng lượng, các cán bộ nhà nước liên quan đến việc quản lý lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, các DN sử dụng năng lượng trọng điểm, những DN phải thực hiện kiểm toán năng lượng 3 năm/lần theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo đó, Dự án được thực hiện trong 3 năm (kết thúc vào tháng 12/2019) với 3 hợp phần chính: Xây dựng năng lực phát triển dự án đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong công nghiệp; Xác định các dự án đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong công nghiệp (Giai đoạn thí điểm I); Hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong công nghiệp (Giai đoạn thí điểm II).
Doanh nghiệp đề xuất, ứng dụng nhiều giải pháp hữu ích
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, thông qua việc đánh giá, tìm hiểu công nghệ tiết kiệm năng lượng của 2.409 DN, Dự án đã lựa chọn 10 DN thuộc các lĩnh vực giấy, bột giấy, thức ăn chăn nuôi, thép, xi măng, hóa chất, lọc hóa dầu, dệt may để thực hiện kiểm toán năng lượng dưới sự giám sát của các chuyên gia năng lượng Hàn Quốc.
Cụ thể, 10 DN được lựa chọn gồm: Giấy An Hòa, Nhiệt điện Phả Lại, Xi măng Vicem Hải Phòng, Cao su Đà Nẵng, Lọc hóa dầu Bình Sơn, Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Gang thép Cao Bằng, Xi măng Bỉm Sơn, Tập đoàn Dabaco Việt Nam và Tổng công ty Việt Thắng.
Kết quả cho thấy, có 108 giải pháp tiết kiệm năng lượng đã được các DN này đề xuất. Mức đầu tư dự kiến gần 200.000 USD để thực hiện các giải pháp đề xuất, thời gian hoãn vốn dự tính khoảng 2,6 năm. Việc thực hiện các giải pháp này góp phần cắt giảm 606.000 tấn CO2/năm và giúp các DN tiết kiệm chi phí khoảng 78.000 USD (tỷ lệ tiết kiệm 4,8% tổng tiêu thụ năng lượng).
Minh chứng tiêu biểu là Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn. Năm 2018, Chỉ số năng lượng EII trung bình của Công ty chỉ là 103,4%, trong khi kế hoạch đặt ra là 105%+/-1%. Đồng thời, đã có 6 giải pháp tiết kiệm năng lượng được triển khai thành công, giúp Công ty tiết kiệm được khoảng 1,9 triệu USD/năm. Nổi bật trong số đó là giải pháp “Tăng sản xuất hơi HP tại phân xưởng RFCC nhằm giảm lượng hơi HHP, góp phần giảm tiêu thụ nhiên liệu tại các lò hơi của khu vực phụ trợ, giảm chỉ số EII của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất” giúp tiết kiệm khoảng 290.163 USD/năm; giải pháp “Giảm lưu lượng hơi nước sử dụng tại tháp T-1901 và tăng nồng độ H2S trong Lean amine” giúp tiết kiệm khoảng 413.910 USD/năm (tương đương khoảng 10 tỷ đồng/năm)…
Việc ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng như trên không chỉ giúp các DN tiết giảm chi phí sản xuất mà còn thúc đẩy năng lực cạnh tranh của DN trên thị trường. Vì vậy, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục giúp các DN công nghiệp nhận diện được các giải pháp tiết kiệm năng lượng, cùng chia sẻ kinh nghiệm triển khai thành công, cũng như cách thức tiếp cận các nguồn tài chính cho vay để triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng.
Ông Kim Jinoh - Giám đốc quốc gia KOICA tại Việt Nam - nhấn mạnh, nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công Chương trình Quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phía Hàn Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng những giải pháp kỹ thuật và tài chính, góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện cam kết của Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.
QUỲNH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 22 ra ngày 30-5-2019